Bạn đọc viết

Khó vì thiếu phối hợp

- Thứ Bảy, 06/04/2019, 08:17 - Chia sẻ
Mặc dù, Khoản 2 Điều 7 Quyết định số 1685/QĐ-BTP ngày 17.7.2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong công tác theo dõi thi hành pháp luật thì các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin, hoặc góp ý kiến theo đề nghị của đơn vị chủ trì về lĩnh vực trọng tâm, trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Tuy nhiên, cơ chế cung cấp thông tin giữa các đơn vị thuộc bộ, ngành tư pháp vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được việc phản ứng nhanh những vấn đề mới.

Hiện nay, việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tổ chức họp giữa đơn vị chủ trì với các đơn vị có liên quan trong Bộ. Như vậy, việc cung cấp thông tin có thể là chủ động cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu của đơn vị chủ trì. Tuy nhiên, trên thực tế việc cung cấp thông tin chỉ là cung cấp thông tin theo yêu cầu của đơn vị chủ trì. Hầu như không có trường hợp nào các đơn vị thực hiện quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi thi hành pháp luật. Theo đó, trách nhiệm của các đơn vị là chủ động cung cấp thông tin cho Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật để kiểm tra, đối chiếu, xử lý theo quy định.

Ngoài việc thiếu chủ động, thì việc cung cấp thông tin theo yêu cầu thường chậm, quá hạn. Hiện nay, theo cơ chế hành chính, quá trình phân công công việc trong cơ quan, đơn vị phải qua nhiều cấp trung gian. Cụ thể, văn bản về yêu cầu cung cấp thông tin từ cấp vụ (Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng chủ trì thực hiện), cấp phòng (Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng) đến chuyên viên trực tiếp xử lý công việc. Đối với một số trường hợp phức tạp, việc cung cấp thông tin còn phải theo quy trình “ngược lên báo cáo lãnh đạo Bộ để chỉ đạo”: Lãnh đạo Bộ phụ trách chuyên môn - lãnh đạo Bộ phụ trách đơn vị; đơn vị thuộc Bộ chủ trì - đơn vị thuộc Bộ phối hợp; phòng, chuyên viên trực tiếp xử lý công việc, các phòng - chuyên viên khác có liên quan....

Đấy là trong phạm vi một bộ, còn việc cung cấp thông tin xảy ra giữa đơn vị thuộc các Bộ với địa phương thì quy trình này còn xuất hiện thêm các mối quan hệ phối hợp theo chiều ngang giữa: Bộ Tư pháp với địa phương; Bộ Tư pháp với Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Ở mỗi khâu của quy trình đều có sự kiểm duyệt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc người được giao phụ trách công việc. Nếu trong quy trình giải quyết công việc mà xuất hiện càng nhiều mối quan hệ ngang như hiện nay (đầu mối chủ thể bị động) thì càng mất nhiều thời gian, thủ tục giải quyết; khó đáp ứng được yêu cầu chất lượng trong khi phải triển khai những việc gấp, đột xuất, hoặc phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời với các tình huống phát sinh trong quản lý, điều hành.

Bên cạnh những giải pháp có tính chất… “muôn thuở” như siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính công vụ gắn với thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ; Quy chế phối hợp trong theo dõi thi hành pháp luật và có hình thức xử lý thích đáng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả công việc… thì hiện nay có một giải pháp được nhiều chuyên gia nhắc đến đó là cần đa dạng việc cung cấp thông tin. Cụ thể, ứng dụng phần mềm quản lý các nhiệm vụ được giao và quy định việc trao đổi thông tin qua môi trường mạng giữa các đơn vị. Điều này có nghĩa việc cung cấp thông tin theo dõi thi hành pháp luật cần phải được thực hiện trên môi trường điện tử.

Phạm Hải