Kho bạc Nhà nước và quyết tâm cải cách

- Thứ Hai, 21/09/2020, 06:29 - Chia sẻ
Bộ Tài chính vừa công bố Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2019 của các đơn vị thuộc Bộ. Theo đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng của khối các tổng cục. Kết quả này ghi nhận nỗ lực của hệ thống kho bạc trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Cụ thể, theo công bố của Bộ Tài chính, ở khối tổng cục, KBNN tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng cải cách hành chính năm 2019 với số điểm thẩm định 96,5/100 điểm. Đơn vị dẫn đầu là Tổng cục Hải quan với 97 điểm; Tổng cục Thuế xếp thứ 3 với 95,5.

Trên thực tế, tinh thần và quyết tâm cải cách, không chỉ với thủ tục hành chính mà cả trong quản lý, quản trị hoạt động, chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cả hệ thống kho bạc nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

Người dân có thể nộp ngân sách mọi nơi, mọi lúc
Ảnh: Vũ Sinh

Kết thúc tháng 7, KBNN đã tích hợp thành công lên Cổng dịch vụ công quốc gia 7 dịch vụ tương ứng với 7 thủ tục hành chính có tần suất giao dịch với khối lượng lớn, vượt 1 chỉ tiêu so với kế hoạch được giao cho cả năm 2020.

Theo đánh giá của các đơn vị sử dụng ngân sách, việc tích hợp và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực KBNN trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho họ mà còn tăng tính minh bạch, tăng khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ.

Mở rộng không gian, thời gian thu nộp ngân sách

Từ vài năm nay, người dân có thể nộp ngân sách tại bất kỳ địa điểm, thời gian nào. Thời gian thực hiện giao dịch thu chỉ còn dưới 5 phút/giao dịch. Tốc độ luân chuyển thông tin thu giữa KBNN, cơ quan thuế, hải quan và ngân hàng thương mại gần như tức thời…

Có kết quả này là nhờ công nghệ thông tin đã từng bước được ứng dụng. Bên cạnh thu ngân sách bằng tiền mặt theo cách truyền thống, KBNN đa dạng hóa và hiện đại hóa hình thức thu như: Thu qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking, mobile banking, qua các điểm chấp nhận thẻ POS của ngân hàng… Sau các ngân hàng thương mại nhà nước, tháng 6 vừa qua, KBNN mở rộng phối hợp thu ngân sách và thanh toán song phương điện tử với 4 ngân hàng thương mại cổ phần để hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế.

Trong năm 2019, KBNN tiếp tục nghiên cứu, thí điểm các giải pháp cải cách công tác thu nộp ngân sách theo hướng hiện đại hơn nữa. Cụ thể, KBNN phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để từng bước triển khai trao đổi thông tin thu nộp ngân sách qua mã định danh của từng khoản thu; phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nghiên cứu giải pháp điện tử hóa phương thức trao đổi thông tin thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; phối hợp với một số địa phương (Lào Cai, Bình Phước) để kết nối, trao đổi thông tin thu phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến...

Thành công của KBNN trong hiện đại hóa thu và phối hợp thu ngân sách không chỉ mở rộng không gian và thời gian thu nộp ngân sách cho người dân mà còn giảm thiểu chi phí tổ chức thu, tập trung nhanh nguồn thu ngân sách và góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đến hết năm 2019, tỷ trọng thu ngân sách bằng tiền mặt chỉ còn khoảng 0,47% tổng thu qua KBNN.

Tiến tới kiểm soát chi điện tử

Trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi ngân sách, KBNN hoàn thiện cơ chế, quy trình theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, chứng từ, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công điện tử và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đối với chi đầu tư, thời gian kiểm soát chi đã được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc. Đối với chi thường xuyên, KBNN kiểm soát các khoản chi nhỏ theo bảng kê chứng từ thanh toán; cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi. Áp dụng nguyên tắc "thanh toán trước, kiểm soát sau" đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần, rút ngắn tối đa thời gian thanh toán xuống còn 1 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ, chứng từ hợp pháp hợp lệ của đơn vị.

Đặc biệt, bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN hướng tới Kho bạc điện tử chính là đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến - bước đi đầu tiên tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử. Đây cũng chính là giải pháp mở rộng không gian, thời gian tương tác giữa kho bạc và đơn vị sử dụng ngân sách, bởi đơn vị sử dụng ngân sách có thể gửi hồ sơ, chứng từ “mọi nơi, mọi lúc”. Dịch vụ công trực tuyến một mặt tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho các đơn vị, hạn chế giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị, thông tin thanh toán được bảo mật; mặt khác bảo đảm minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, dịch vụ công trực tuyến của hệ thống kho bạc càng chứng tỏ tính ưu việt của mình, khi góp phần không nhỏ vào việc duy trì hoạt động giao dịch bình thường của hệ thống kho bạc và đơn vị sử dụng ngân sách.

Tính đến hết 30.6.2020, hơn 84,6 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia dịch vụ công trực tuyến kho bạc, đạt 91,5%; lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước qua dịch vụ công trực tuyến chiếm trên 60% lượng chứng từ chi qua hệ thống TABMIS. KBNN phấn đấu hoàn thành việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại tất cả đơn vị vào cuối tháng 10 tới, về đích sớm 2 tháng so với kế hoạch đầu năm. Từ 1.7, KBNN triển khai mô hình giao dịch viên chuyên sâu đối với kho bạc cấp tỉnh nhằm rút ngắn quy trình kiểm soát và gia tăng tính chuyên nghiệp, qua đó tạo thuận lợi để đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Hà Lan