Kênh huy động vốn khả thi cho doanh nghiệp bất động sản

- Thứ Bảy, 05/05/2012, 07:38 - Chia sẻ
Gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) đang nhận được những tín hiệu đáng mừng với sự hỗ trợ không nhỏ từ phía Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Trước những thông tin trợ lực này, các doanh nghiệp BĐS cần có động thái cụ thể để nắm bắt cơ hội, từng bước tháo gỡ khó khăn.


Nguồn: ktdt.com.vn

Chính phủ đã đồng ý thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, đồng ý bỏ khung giá đất và đang chờ Quốc hội thông qua. Ngân hàng Nhà nước cũng chính thức hạ lãi suất trần huy động xuống 12%/năm, tạo tiền đề để có thể kéo thấp lãi suất tín dụng, hạ lãi suất cho vay, đồng thời mở rộng tín dụng cho hoạt động kinh doanh BĐS. Sự hỗ trợ không nhỏ từ Nhà nước và các tổ chức tín dụng đang đưa ra những tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp BĐS. Bên cạnh đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP của quý I năm nay ở mức rất thấp nhưng Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Phan Thành Mai nhận định: “theo quy luật, quý tiếp theo GDP phải tăng” và sẽ có tác động tích cực tới thị trường BĐS.

Trước những thông tin đó, các doanh nghiệp BĐS cần phải nắm bắt được cơ hội, có động thái cụ thể mà trước tiên, phải giải quyết nguồn vốn trên cơ sở trao đổi và xem kênh huy động nào là khả thi. Thị trường chứng khoán tăng trưởng 26% trong quý I năm nay nhưng đây không phải là kênh huy động vốn dễ dàng, đặc biệt khi minh bạch hóa chính sách, công khai hóa các phương pháp tài chính kinh doanh vốn là điều rất khó khăn đối với các doanh nghiệp BĐS. Hơn nữa, so với quy mô thị trường ở các nước trong khu vực và trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhỏ bé.

Huy động vốn ở thị trường trái phiếu liệu có khả thi hay không? Hiện nay có hai khối tham gia vào thị trường trái phiếu là Chính phủ và doanh nghiệp. Quy mô trái phiếu doanh nghiệp còn khiêm tốn, chỉ chiếm 2 tỷ USD so với 15 tỷ USD của trái phiếu Chính phủ và vấn đề cốt lõi vẫn là minh bạch thông tin cũng như phương án tài chính.

Quay trở về vốn vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất ngân hàng cao khiến họ không thể tiếp cận được nguồn vốn, nhưng thực tế khảo sát gần đây của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cho thấy, chỉ khoảng 30% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng và trong số này, chỉ có 36% doanh nghiệp đồng tình với nguyên nhân lãi suất cao trong khi gần 53% doanh nghiệp trả lời do thiếu tài sản thế chấp.

Có lẽ, doanh nghiệp và ngân hàng nên ngồi lại với nhau để tháo gỡ vấn đề thiếu tài sản thế chấp, giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Thực tế, để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải hình thành dự án và phải có tài sản thế chấp cho vay, tất cả những dự án đó phải đạt đủ yêu cầu cụ thể. Trong khi đó, cơn bão tín dụng 2011 đã vắt kiệt các doanh nghiệp BĐS: vốn cạn, tài sản không còn nhiều và hàng tồn kho rất lớn. Việc thẩm định vốn vay căn cứ nhiều vào thẩm định dự án đầu tư được nhiều nước phát triển áp dụng nhưng ở nước ta, hầu hết các ngân hàng đều e ngại với hình thức này và gần như không chấp nhận các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi vay mà không có tài sản bảo đảm. Điều này cũng xuất phát từ sự an toàn của hệ thống ngân hàng, coi tài sản thế chấp như chiếc phao cuối cùng để thu hồi khoản vay trong trường hợp xảy ra vỡ nợ. Tuy nhiên, “doanh nghiệp không ổn định thì ngân hàng càng không tốt” - ông Phan Thành Mai nói, do vậy ngân hàng cần tạo điều kiện để những doanh nghiệp đang thiếu các tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn. Doanh nghiệp BĐS khi chưa có sản phẩm cung ứng đúng nhu cầu thị trường, ngân hàng nên cho họ những gói vay mới để doanh nghiệp tiếp tục vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nên định giá số tài sản đã thế chấp và nếu có nguồn vốn mua lại với giá cả hai bên đều chấp nhận thì nên xử lý để giải tỏa khoản nợ xấu cho doanh nghiệp tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn mới.

Trong thời gian tới, để thị trường BĐS dần lấy lại đà phục hồi, cùng với việc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu loại bỏ hiện tượng lách trần lãi suất, các ngân hàng cũng cần có các gói tái cấu trúc về các khoản nợ như giãn nợ, khoanh nợ đối với các doanh nghiệp có lịch sử hoạt động ổn định, tìm kiếm cho doanh nghiệp các phương án khả thi. Ngân hàng cũng “cần linh hoạt hơn và nhạy bén hơn để đánh giá chuẩn tình hình khó khăn tạm thời của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết sách tín dụng cho phù hợp” – một chuyên gia tài chính ngân hàng góp ý.

Thao Giang