Chiến lược hydro quốc gia của Đức:

Hướng đi cho tương lai

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 15:21 - Chia sẻ
Mới đây, Chính phủ Đức đã nhất trí về chiến lược dài hạn tăng cường sản xuất và sử dụng nhiên liệu hydro như là một phần của kế hoạch cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong nước. Với kế hoạch này, quốc gia châu Âu này đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp công nghệ hydro hiện đại hàng đầu thế giới.

Kế hoạch tham vọng trị giá 9 tỷ euro

Sử dụng hydro làm nhiên liệu không còn là một ý tưởng mới trong thời đại ngày nay. Khả năng sản sinh lượng nhiệt lớn của phân tử hydro (H2) đã được chứng minh từ thế kỷ XIX. H2, nguyên tố hóa học phổ biến cấu thành đến 90% vật chất của vũ trụ và chiếm đến 75% theo trọng lượng, tồn tại chủ yếu dưới dạng hợp chất với các nguyên tố hóa học phổ biến khác. Khí H2 không màu, không mùi, nhẹ và rất dễ cháy do đó không tồn tại dưới dạng phân tử nguyên chất trong điều kiện bình thường. H2 rất dễ phản ứng hóa học với các nguyên tố hóa học khác, đặc biệt là oxy, đồng thời sinh ra năng lượng dưới dạng nhiệt năng lớn hoặc điện năng thông qua các phản ứng hóa học. Vì vậy, chúng có thể được dùng làm nhiên liệu trong động cơ đốt trong và động cơ tua bin khí. Tuy nhiên, do những hạn chế về mặt kỹ thuật, giá thành cao và thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ phù hợp nên năng lượng hydro chưa được sử dụng rộng rãi. Dẫu vậy, các nhà nghiên cứu vẫn nhận định đây là nguồn năng lượng vô tận, có thể tái sinh và là nguồn năng lượng giữ vai trò chủ đạo thay thế nhiên liệu hóa thạch, không gây ô nhiễm môi trường và là nguồn năng lượng của tương lai.

Trong bối cảnh nhiên liệu hydro hiện chủ yếu được sản xuất từ các nguồn hóa thạch, nên Chính phủ Đức muốn khuyến khích sản xuất nhiên liệu này từ nguồn điện dư thừa được tạo ra từ năng lượng tái tạo. Theo các chuyên gia, nhiên liệu hydro xanh này có thể giúp giải quyết vấn đề nguồn cung năng lượng mặt trời và năng lượng gió không mấy ổn định, cũng như thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các quy trình công nghiệp đòi hỏi nhiệt độ cao.

Được biết, Chính phủ Đức có kế hoạch đầu tư 9 tỷ euro (khoảng 10.2 tỷ USD) để thúc đẩy sản xuất và sử dụng nhiên liệu hydrogen, trong đó khoảng 2 tỷ euro sẽ “đi thẳng” tới các dự án tại những nước đang phát triển như Morocco. Theo Bộ trưởng Bộ Phát triển Đức Gerd Müller, Morocco là quốc gia đầu tiên được Đức chọn bắt tay để xây dựng nhà máy công nghiệp hydro xanh ở châu Phi, vốn là một phần của kế hoạch đối tác quốc tế trong chiến lược. Giới lãnh đạo tin rằng dự án trên sẽ giúp giảm khoảng 100.000 tấn khí thải CO2 ra môi trường mỗi năm.

Đức đặt mục tiêu xây dựng các nhà máy sản xuất nhiên liệu hydro tại Đức với tổng công suất lên tới 5 GW vào năm 2030 và tăng gấp đôi lên 10 GW vào năm 2040. Đây là lần đầu tiên Đức đặt ra các mục tiêu định lượng cho việc sản xuất hydro. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết, với “bước nhảy vọt” đó, Đức muốn trở thành nhà lãnh đạo thế giới về công nghệ toàn cầu. 

Nguồn ITN  

Nhận được sự ủng hộ rộng rãi

Nhóm vận động hành lang công nghiệp BDI tỏ ra rất hoan nghênh quyết định của Chính phủ Đức khi Phó Giám đốc BDI Holger Loesch phát biểu lạc quan rằng: “Chỉ bằng nhiên liệu hydro với giá cạnh tranh, từ các nguồn trong nước và nhập khẩu, khả năng mục tiêu trung lập carbon vào năm 2050 của châu Âu có thể đạt được”. Được biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel là người vô cùng ủng hộ mục tiêu quốc gia chấm dứt phát thải khí nhà kính ở châu Âu vào năm 2050 để đáp ứng mục tiêu trái đất ấm lên dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ.

Hiệp hội Các công ty vận tải Đức và Diễn đàn Vận tải cũng hưởng ứng quan điểm đó. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Đức Andreas Scheuer, việc sử dụng rộng rãi công nghệ như động cơ chạy bằng hydro cho xe buýt và xe tải sẽ rất cần thiết nếu nước này muốn đạt được các mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Ông cho biết, Đức sẽ có khoảng 100 trạm nhiên liệu hydro vào cuối năm 2020 và sẽ xây dựng thêm 10 - 15 trạm mỗi năm, tạo thành mạng lưới lớn nhất ở châu Âu. Ngoài ra, Chính phủ liên bang đã thiết lập một số cấu trúc để quản lý chiến lược, bao gồm việc bổ nhiệm Hội đồng Hydro quốc gia (gồm 25 thành viên với các đại diện từ các ngành xã hội dân sự, khoa học và công nghiệp nhằm tư vấn thường xuyên cho Chính phủ), Ủy ban cấp bộ trưởng liên bang về hydro và một người phụ trách công tác đổi mới hydro xanh tại Bộ Giáo dục và Nghiên cứu liên bang.

Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Peter Altmaier, chiến lược dài 28 trang trên là “đổi mới lớn nhất kể từ khi có Luật năng lượng tái tạo (EEG)”. EEG được thông qua và có hiệu lực vào năm 2000, đã đặt nền móng cho ngành năng lương xanh của Đức. Vì vậy, chiến lược mới đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều công ty điện lực tại châu Âu. Các nhóm điện lực chính ở lục địa già như Enel, Iberdrola, Ørsted, và EDP đã cùng đưa ra lời kêu gọi chung tới Ủy ban châu Âu yêu cầu ưu tiên hydro tái tạo trong kế hoạch khắc phục đại dịch sắp tới.

Nhiên liệu hydro sẽ được sử dụng đầu tiên ở lĩnh vực vận chuyển hàng hóa nặng, sản xuất thép, công nghiệp hóa chất và hàng không. Các công ty thuộc những lĩnh vực này sẽ được nhận hỗ trợ tài chính nếu như họ đầu tư vào các nhà máy điện phân nhằm chuyển đổi quy trình sản xuất của mình. Một chương trình thí điểm gọi là Hợp đồng Carbon vì sự khác biệt (CfD) sẽ sớm được Đức đưa ra, nhằm vào các ngành công nghiệp thép và hóa chất.

Có vẻ như Đức không “đơn thương độc mã” khi chọn con đường ưu tiên nhiên liệu hydro. Nhật Bản, vốn nghèo tài nguyên khoáng sản hóa thạch như Đức, đã đầu tư mạnh vào công nghệ hydro. Bản thân Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Na Uy và Hà Lan cũng xây dựng chiến lược quốc gia đầy tham vọng để thúc đẩy và phát triển loại nhiên liệu nhiều tiềm năng này.

Box: Quỹ thúc đẩy Chiến lược quốc gia hyrdro của Đức trị giá 9 tỷ euro sẽ hỗ trợ đầu tư vào sản xuất, vận chuyển và sử dụng hydro một cách bền vững và kinh tế. Nó bao gồm việc thực thi Chỉ thị Năng lượng tái tạo EU đầy tham vọng nhằm thay thế nhiên liệu hydro “xám” (được sản xuất từ các nhiên liệu hóa thạch) bằng nhiên liệu hydro “xanh”; đẩy mạnh sử dụng các máy điện phân, giúp tách nước thành hydro và oxy; thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi nhiên liệu hydro; tăng cường nghiên cứu về “Công nghệ Hydro 2030”, trong đó gồm cả lĩnh vực giao thông; cho phép đầu tư và vận hành sản xuất nhiên liệu hydro và chuyển sang quá trình công nghiệp thân thiện với khí hậu; củng cố và phát triển hơn nữa hạ tầng kỹ thuật cần thiết; mở rộng quan hệ đối tác quốc tế, trong đó có xây dựng và vận hành các nhà máy sản xuất nhiên liệu hydro "xanh"…

Thái Anh