Thực hiện đúng thẩm quyền của Thường trực HĐND

Hướng đến tính chuyên nghiệp trong hoạt động kỳ họp

- Thứ Hai, 17/08/2020, 09:49 - Chia sẻ
Để thực hiện đúng quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND theo tinh thần Luật số 47/2019/QH14, một vấn đề đặt ra là cần xem tổ chức kỳ họp là hoạt động thường xuyên của HĐND. Một kỳ họp có thể xem xét quyết định từ 5 - 7 nội dung hoặc nhiều hơn; thành phần tham dự có thể gọn hơn hiện tại, chỉ bao gồm đại biểu HĐND, các cơ quan tham mưu nội dung trình kỳ họp; chương trình kỳ họp cũng cần giảm thời gian cho các thủ tục mang tính nghi thức. Đặc biệt, mỗi chủ thể tham gia quyết định cần hướng đến chuyên nghiệp để kỳ họp thực sự trở thành hoạt động chủ yếu của HĐND.

Từ ngày 1.7.2020, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật số 47/2019/QH14) có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND các cấp chỉ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được luật giao. Đây được đánh giá là thay đổi lớn so với các quy định hiện hành, giới hạn lại thẩm quyền cơ quan thường trực của HĐND.

Thay đổi lớn

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 là văn bản chung nhất, có tính nguyên tắc quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND. Ngoài ra, còn có nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như luật chuyên ngành, nghị quyết, nghị định, thông tư. Việc này được quy định ngay tại Khoản 3 Điều 6 của Luật: “Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, ngoài 10 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn được xác định tại Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực HĐND còn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định khác của pháp luật có liên quan, chứ không chỉ nhiệm vụ, quyền hạn quy định trong luật. Đây là những nhiệm vụ, quyền hạn do Quốc hội hoặc cơ quan có thẩm quyền giao cho Thường trực HĐND, thể hiện sự “phân quyền” hoặc “phân cấp”.

Trong thời gian qua, triển khai thực hiện các văn bản luật và văn bản dưới luật (bao gồm cả nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND) có quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND nhiều nơi đã thực hiện cho ý kiến, quyết định nhiều vấn đề liên quan do UBND cùng cấp trình, mà chủ yếu diễn ra ở cấp tỉnh như cho ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm, quyết định điều chỉnh bảng giá đất, cho ý kiến về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác…

Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật số 47/2019/QH14 - điều khoản sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 “Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan”, từ ngày 1.7.2020 khi Luật số 47/2019/QH14 có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND các cấp chỉ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được luật giao. Điều này đồng nghĩa với việc không tiếp tục áp dụng các văn bản dưới luật hiện hành có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhất là khi các văn bản đó trái luật.

Phiên họp thường kỳ tháng 7của Thường trực HĐND tỉnh Quarng Nam

Ảnh: Thanh Hồng 

Tăng cường tổ chức kỳ họp, rà soát các quy định liên quan

Nội dung liên quan đến thẩm quyền Thường trực HĐND trong Luật số 47/2019/QH14 một lần nữa khẳng định lại nguyên tắc hoạt động của HĐND. Đó là: (i) Nhiệm vụ nào mà Luật quy định rõ ràng, cụ thể thuộc thẩm quyền của HĐND thì không thể giao cho Thường trực HĐND quyết định thay thế, kể cả trường hợp cấp bách giữa hai kỳ họp. Nếu xét thấy cần phải quyết định thì tổ chức phiên họp không thường lệ của HĐND. Và (ii) Thường trực HĐND chỉ được quyết định những vấn đề mà Luật giao.  

 Để thực hiện đúng quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND theo tinh thần Luật số 47/2019/QH14, thiết nghĩ cấp có thẩm quyền cần sớm luật hóa các quy định liên quan đến Thường trực HĐND đang được quy định rải rác trong các nghị định, thông tư và các văn bản dưới luật khác do Trung ương ban hành. Đồng thời, HĐND cũng cần có hình thức xử lý, dừng thực hiện các nghị quyết có giao nhiệm vụ cho Thường trực HĐND cùng cấp, bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Thường trực HĐND chỉ thực hiện nhiệm vụ được luật giao.

Quan trọng hơn, cần xem tổ chức kỳ họp là hoạt động thường xuyên của HĐND. Theo đó, trong chuẩn bị nội dung trình kỳ họp, Thường trực HĐND cần phối hợp với UBND tập hợp những vấn đề phát sinh (theo tháng hoặc theo quý) để quyết định việc tổ chức kỳ họp. Một kỳ họp có thể xem xét quyết định từ 5 - 7 nội dung hoặc nhiều hơn; thành phần tham dự kỳ họp có thể gọn hơn hiện tại, chỉ bao gồm đại biểu HĐND, các cơ quan tham mưu nội dung trình kỳ họp; chương trình kỳ họp cũng cần giảm thời gian cho các thủ tục mang tính nghi thức. Đặc biệt, mỗi chủ thể tham gia quyết định cần hướng đến chuyên nghiệp để kỳ họp HĐND thực sự trở thành hoạt động chủ yếu, nơi thể hiện vai trò, trách nhiệm đại biểu đối với cử tri và trí tuệ tập thể đối với những quyết sách chính trị.

Dương Thị Thanh Hiền - Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam