Huyện Đan Phượng, Hà Nội

Hướng đến đô thị mang bản sắc riêng

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 01:06 - Chia sẻ
Làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác chỉ đạo Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trên cơ sở của một huyện đã có 100% xã đạt NTM kiểu mẫu, đô thị của Đan Phượng phải bảo đảm có đặc trưng và bản sắc riêng.

Khó khăn lớn về nhân lực, cơ sở hạ tầng

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng nêu rõ: Năm 2019, kinh tế - xã hội của huyện phát triển toàn diện, đạt và vượt 24/24 chỉ tiêu. Từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội với những kết quả ban đầu. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo tổ chức Đại hội chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở xong trước ngày 15.1. Đến nay, 9/40 (22,5%) Đảng bộ, chi bộ cơ sở tổ chức xong đại hội, trong đó có 3 đại hội điểm. Về triển khai việc tổ chức Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện, hiện dự thảo Báo cáo chính trị đã được gửi tới toàn đảng bộ, chi bộ trực thuộc để lấy ý kiến. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thông qua lần một đối với phương án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Khóa XXIV…

Để phấn đấu lên quận vào năm 2025, Chủ tịch UBND huyện kiến nghị HĐND thành phố tạo điều kiện tăng nguồn thu ngân sách để thực hiện đề án phát triển thành quận. Trong đó, cho huyện được hưởng 100% nguồn thu từ các dự án giao đất cho các doanh nghiệp đầu tư để thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh; thành phố phê duyệt bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2020 - 2025 và giao cho huyện làm chủ đầu tư triển khai 6 tuyến đường giao thông hạ tầng khung của huyện với nguồn ngân sách hơn 6.146 tỷ đồng…

Thảo luận tại cuộc làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Đan Phượng là điển hình của vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa Xứ Đoài, có tiềm năng, lợi thế xây dựng NTM và là huyện đạt NTM đầu tiên của Hà Nội. Tuy nhiên, thách thức, khó khăn lớn nhất của huyện hiện nay là về nhân lực. Thời gian qua, Đan Phượng phát triển đô thị khá nhanh, nhưng khả năng thích ứng của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Việc quản lý khu đô thị trên địa bàn còn lúng túng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng cần được điều chỉnh…


Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Vương Đình Huệ với huyện Đan Phượng
Ảnh: Khánh Duy

Đô thị có đặc trưng, bản sắc riêng

Giải đáp kiến nghị của địa phương về việc giao huyện làm chủ đầu tư triển khai 6 tuyến đường giao thông hạ tầng khung của huyện để phát triển kinh tế - xã hội với kinh phí hơn 6.146 tỷ đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, đây là số vốn lớn, vốn đầu tư của thành phố hiện nay tập trung cho các dự án trọng điểm của thành phố và tuyến đường sắt số 5 nên vốn đầu tư cho các dự án mới đang gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, đề nghị huyện rà soát lại toàn bộ các dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Trên cơ sở đó, cân đối các nguồn lực đầu tư cho 6 tuyến đường giao thông hạ tầng khu như huyện kiến nghị.

Đối với đề xuất tạo điều kiện tăng nguồn thu cho ngân sách để thực hiện đề án từ huyện lên quận, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà chia sẻ: Thời gian qua, HĐND thành phố đã tổ chức các buổi giám sát trực tiếp và làm việc với các huyện về đề án từ huyện lên quận. Hiện nay, có 5 huyện chuẩn bị đề án để xây dựng thành quận vào năm 2025. HĐND thành phố đã chia nhóm các huyện để xem xét các đề xuất cho việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và tỷ lệ % phân chia nguồn thu, định mức phân bổ ngân sách trong giai đoạn 2021 - 2015 để bảo đảm phù hợp. HĐND thành phố đã tập trung làm việc trực tiếp nhóm các huyện có đề án lên quận, tiếp thu, cùng với sở, ngành rà soát cân đối với những đề xuất bảo đảm phù hợp trong quá trình phát triển liên quan đến cả 5 huyện. Tùy từng vùng, từng miền bảo đảm cho phù hợp với tốc độ phát triển.

Đánh giá cao kết quả huyện đã đạt được thời gian qua, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị huyện cần quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch. Trong giai đoạn này, các huyện ngoại thành cần hỗ trợ cho khu vực nội thành bởi có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, đấu giá quyền sử dụng đất. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu, trong phòng chống dịch bệnh không được chủ quan, nới lỏng nhưng không cứng nhắc trong giãn cách xã hội. Đồng thời, bám sát chỉ đạo thành phố mở mặt trận thứ 2 về phục hồi, phát triển kinh tế. Với tinh thần quyết liệt, bài bản và phân công rõ trách nhiệm để thông qua đó đánh giá, sàng lọc cán bộ. Bên cạnh đó, huyện cần tập trung trong phát triển nông nghiệp, phấn đấu tăng trưởng trên 4% trong năm nay, gắn với tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư công. Chú trọng mở thêm các điểm công nghiệp mới và động viên, khuyến khích hộ kinh doanh nhỏ phát triển thành doanh nghiệp.

Đối với công tác Đại hội Đảng các cấp, Bí thư Thành ủy yêu cầu, huyện cần bám sát chỉ đạo của Thành ủy để tiếp tục hoàn thiện các công việc liên quan, nhất là về nhân sự, bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Ngoài ra, nghiên cứu để đưa vào Báo cáo chính trị vấn đề điều chỉnh quy hoạch chung của huyện, thành phố theo hướng “quy hoạch đi trước một bước”, phấn đấu phủ kín quy hoạch phân khu sông Hồng gắn với thoát lũ. Các dự án đầu tư thiết kế hạ tầng phải tính đến quận của tương lai và quan trọng tạo sự kết nối, đồng bộ. “Trên cơ sở của một huyện đã có 100% xã đạt NTM kiểu mẫu, đô thị của Đan Phượng phải khác với đô thị của các quận khác, trong đó phải bảo đảm có đặc trưng và bản sắc riêng” -  Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Khánh Duy