Hướng dẫn cụ thể việc quản lý nguồn thu tại cơ sở tín ngưỡng

- Thứ Ba, 28/07/2020, 13:03 - Chia sẻ
Với 82 cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, đề nghị đề nghị có hướng dẫn cụ thể việc quản lý các nguồn thu tại cơ sở tín ngưỡng, như thu từ tổ chức lễ hội, thu quyên góp ủng hộ, thu tiền công đức, và thu của khách thập phương đến hành lễ tại cơ sở.

Sáng 28.7, tiếp tục chương trình công tác tại Thái Nguyên, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với UBND huyện Đồng Hỷ về thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình - Trưởng đoàn giám sát, chủ trì buổi làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng,
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, tín ngưỡng, tôn giáo là một mảng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, là một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Theo báo cáo của UBND huyện Đồng Hỷ, sau 2 năm triển khai Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân ngày càng tốt hơn; thủ tục hành chính trong lĩnh vực này nhanh gọn hơn; mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với các tổ chức tôn giáo gắn bó, phát huy được nguồn lực của tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống xã hội. Việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo trên địa bàn được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Bí thư Huyện ủy huyện Đồng Hỷ Ngô Xuân Hải
Theo Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ Ngô Xuân Hải, thời gian qua, các cấp chính quyền trong huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện để mọi người dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Tuy vậy, việc các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo chậm được quan tâm triển khai, đặc biệt chưa có chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý của Nhà nước tại địa phương. Vì vậy, huyện Đồng Hỷ đề nghị cấp thẩm quyền có văn bản hướng dẫn cụ thể, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý giữa cộng đồng dân cư và cá nhân gia đình, dòng họ đối với các cơ sở tín ngưỡng như đình, đền, nhà thờ dòng họ…; có hướng dẫn cụ thể việc quản lý nguồn thu tại cơ sở tín ngưỡng như thu từ việc tổ chức lễ hội, quyên góp ủng hộ, tiền công đức, và thu của khách thập phương đến hành lễ tại cơ sở.

Đoàn giám sát ghi nhận và chia sẻ với những vướng mắc trong quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương
Đoàn giám sát ghi nhận và chia sẻ với những vướng mắc trong quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương

Đoàn giám sát ghi nhận những vướng mắc của huyện Đồng Hỷ trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn, nhất là việc cần sớm có hướng dẫn cụ thể về quản lý nguồn thu của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Đoàn đề nghị chính quyền địa phương cần nghiên cứu, giải quyết triệt để các vụ việc phát sinh trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, không thể để trở thành điểm nóng.

"Phải nhìn nhận vấn đề dưới 2 góc độ, vừa bảo đảm ổn định xã hội, vừa phát triển hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, đồng thời lưu ý: "Hệ thống luật pháp ngày càng nhiều, văn bản hướng dẫn luật ngày càng phong phú, nhiều luật điều chỉnh một vấn đề. Vì thế, đòi hỏi quá trình triển khai trong thực tế cần phải nghiên cứu rất kỹ".

+ Trước đó, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại đền Đá Thiên, thị trấn Trại Cau.

Nhật Linh