TP Hồ Chí Minh

Hồi sinh nhiều tuyến kênh rạch

- Thứ Ba, 08/09/2020, 05:50 - Chia sẻ
Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm kênh rạch, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực xã hội, TP Hồ Chí Minh nên tính toán giải pháp sử dụng nguồn lực tại chỗ để hồi sinh kênh rạch. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, phát hiện nhằm xử lý kịp thời, không để phát sinh các điểm lấn chiếm kênh rạch mới.

Hàng loạt tuyến kênh rạch được cải tạo

Nhằm góp phần chống ngập nước, cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị, phát triển du lịch đường thủy… TP Hồ Chí Minh đã và đang tích cực triển khai nạo vét, cải tạo, hồi phục nhiều tuyến kênh, rạch. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, từ năm 2016 - 2018, thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét được 81,2km sông, kênh rạch với tổng số 229 tuyến; vận động người dân tham gia nạo vét, khơi thông 193 tuyến kênh rạch với chiều dài gần 60km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường. Đồng thời, giảm 21% tải lượng chất ô nhiễm thải vào nguồn nước mặt.

Hiện nay, Trung tâm Quản lý đường thủy, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đang tiến hành nạo vét ở hai tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát và Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đối với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ hoàn thành việc nạo vét trong quý III, còn kênh Tham Lương - Bến Cát sẽ xong trong quý IV. Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất các thủ tục cải tạo rạch Xuyên Tâm; chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo rạch khu vực nội đô gồm Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh, Bà Tiếng, Liên Xã, Ông Búp...

Rạch Sơ Rơ sau khi được đầu tư cải tạo.
Nguồn: ITN

Cùng với đó, hàng loạt tuyến kênh rạch trên địa bàn các quận, huyện đã được cải tạo, khôi phục như kênh Hàng Bàng (qua quận 5, quận 6), kênh A41 (quận Tân Bình), 10 đoạn kênh bị ô nhiễm ở quận Bình Tân… Mới đây, UBND quận 12 đã gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho công trình kè rạch Sơ Rơ (giai đoạn 2). Công trình được khởi công vào tháng 4.2019, có chiều dài 956m, bề rộng lòng rạch trung bình 4 - 14m được ốp mái nghiêng bằng bê tông, tường chắn bằng bê tông cốt thép; lan can thép nhúng kẽm, trồng cây xanh dọc tuyến bờ bao.

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, đây chỉ là 1 trong 18 kênh rạch đang được nạo vét duy tu, bởi với hệ thống sông ngòi dày đặc nhất ở TP Hồ Chí Minh, quận 12 được thành phố đầu tư cải tạo nhiều tuyến kênh, rạch. Đến nay, đã có 4 dự án cải tạo hoàn thành, 5 dự án khác sắp hoàn thành trong năm 2020. Ngoài ra, trong giai đoạn 5 năm tới, tất cả tuyến kênh, rạch trên địa bàn quận đều được nâng cấp, cải tạo. Các công trình hoàn thành sẽ góp phần giải quyết vấn đề tiêu thoát nước, giảm ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị, giảm ngập nước do mưa kết hợp triều cường dâng cao trên địa bàn quận.

Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm

Theo kế hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, TP Hồ Chí Minh sẽ mở rộng quy hoạch thoát nước gấp 3 lần so với hiện trạng (từ 650km2 lên 2.095km2). Do đó, việc nạo vét, khơi thông các tuyến kênh rạch bị bồi lắng, ô nhiễm để tăng khả năng trữ, thoát nước, cải thiện môi trường sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được thành phố ưu tiên thực hiện trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh khó khăn về chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi triển khai nạo vét kênh, rạch; tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố trong những năm vừa qua. Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có 67 vị trí lấn chiếm sông, kênh rạch (đã xử lý 34 vị trí).

Đơn cử, hơn 10 năm trước, thành phố đã muốn chỉnh trang, cải tạo tuyến rạch Xuyên Tâm dài 8km đi qua địa bàn hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Con rạch này một thời gian dài bị người dân lấn chiếm xây dựng dọc theo kênh làm thu hẹp dòng chảy. Khảo sát của UBND quận Bình Thạnh cho thấy, có khoảng 2.135 căn nhà dọc theo tuyến kênh bị ảnh hưởng, với chi phí đền bù hơn 3.751 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí xây dựng, nhiều khả năng kinh phí thực hiện dự án có thể tăng đến gần 9.000 tỷ đồng...

Theo nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hòa, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo các tuyến kênh, rạch, thành phố nên tính toán giải pháp sử dụng nguồn lực tại chỗ. Theo đó, cần tính toán mở rộng biên giải tỏa để có thêm quỹ đất sạch đấu giá, lấy nguồn lực đó triển khai dự án; đồng thời có thể triển khai xây dựng các chung cư, nhà cao tầng trên nguồn đất sạch đó để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng.

Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh Vũ Văn Điệp cũng cho rằng, cùng với việc tuyên truyền, vận động thực hiện cuộc vận động Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước; kêu gọi đầu tư, cải tạo kênh rạch theo hình thức đối tác công - tư (PPP)... Các địa phương cần tổ chức cưỡng chế những trường hợp lấn chiếm trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu của kênh rạch. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, phát hiện nhằm xử lý kịp thời, không để phát sinh các điểm lấn chiếm kênh rạch mới.

Lê Chi