Hội nghị triển khai việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở những tháng cuối năm

- Thứ Năm, 06/08/2020, 03:15 - Chia sẻ
Chiều 5.8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại của năm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở chủ trì hội nghị. 
Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; Ủy viên trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.
Báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc cho biết, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ và kết quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tiếp tục được nâng cao. Dân chủ trong Đảng, quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng thực chất.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị  - Ảnh: P. Hoa

Quốc hội, HĐND các cấp tiếp tục đổi mới chất lượng hoạt động, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch. Chính phủ, chính quyền địa phương chủ động, kịp thời đưa ra quyết sách phù hợp, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; bám sát thực tiễn cuộc sống; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhanh nhạy đổi mới hoạt động đáp ứng bối cảnh đại dịch Covid-19; phối hợp với chính quyền giám sát, phản biện, chăm lo sức khỏe, đời sống của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời ban hành kế hoạch, nhiệm vụ công tác; củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động; tích cực kiểm tra, giám sát, sơ kết đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ổn định tại địa bàn dân cư; trong các cơ quan nhà nước có nhiều tiến bộ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu...

Phát huy những kết quả đạt được, trong những tháng cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở yêu cầu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ: nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; cụ thể hóa quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương phát huy dân chủ trong Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt chú trọng phát huy dân chủ thực chất trong công tác chuẩn bị, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân sau đại dịch Covid - 19...

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, trong thời gian qua, không khí dân chủ trong xã hội có nhiều thay đổi phù hợp với tình hình khách quan và chủ quan cùng với sự phát triển của đất nước. Nhiều vấn đề người dân phản ánh đúng lên mạng xã hội thay vì đi theo kênh truyền thống, đã được các cấp chính quyền quan tâm xử lý. Quá trình này thúc đẩy, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để nhân dân gần gũi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

Trưởng ban Dân vận Trung ương mong muốn, nhiệm vụ quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới tiếp tục đi vào thực chất, hiệu quả; chú trọng lắng nghe, đối thoại giữa các cấp chính quyền với nhân dân; giải quyết công việc liên quan đến nhân dân công khai, minh bạch. 

Cải cách và xây dựng hệ thống pháp luật là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ cơ sở đi vào cuộc sống; thể hiện chủ yếu qua 3 hệ thống văn bản pháp luật: Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Dân chủ trong doanh nghiệp thuộc phạm vi Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ 1.1.2021. Trên cơ sở đó, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai giao Bộ Tư pháp; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ động triển khai, thực hiện sớm.

Trong thời gian tới, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ kép trạng thái “bình thường mới”, phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời chú trọng tổ chức lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Theo TTXVN