Hội nghị “Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội"

Cần xây dựng cơ chế đồng thuận với đa số cộng đồng

- Thứ Ba, 28/07/2020, 17:18 - Chia sẻ
Ngày 28.7, Hội nghị “Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội” do Ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội kết hợp với tổ chức KAS tiếp tục được diễn ra tại TP Cần Thơ.

Ngày thứ hai của Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề: Chuyển dịch đất đai tự nguyện dựa trên cơ chế thỏa thuận giữa chủ đầu tư dự án và những người đang sử dụng đất theo quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai. Thẩm tra và giám sát việc thu hồi đất để thực hiện mục đích phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn một số địa phương. Khó khăn, vướng mắc và giải pháp. Công tác tham mưu, tổng hợp giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn một số địa phương…

Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng trình bày tham luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu thống nhất với ý kiến cho rằng chuyển dịch đất đai là việc bắt buộc phải làm để phát triển đất nước, nhưng làm thế nào để phát triển kinh tế mà không tổn hại đến xã hội và môi trường là việc cần đổi mới. Lúc này rất cần xây dựng một cơ chế đồng thuận với đa số cộng đồng về phương án chuyển dịch đất đai dựa trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích.  

Qua hoạt động giám sát thu hồi đất, Đại diện Ban Dân nguyện nêu một số vấn đề nổi cộm đó là: Khiếu kiện đông người xảy ra đối với thu hồi đất để thực hiện dự án công cộng phát triển kinh tế trước năm 2013 là chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Có nhập nhằng lạm dụng trong việc thu hồi đất vì lợi ích công và với dự án thuần tuý kinh doanh có lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án chậm, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi người dân trong khi chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư có nhiều thay đổi, không thống nhất dẫn đến khiếu kiện. Công tác tổ chức, thực hiện việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng bồi thường hỗ trợ tái định cư và việc giải quyết thiếu lại tố cáo để kéo dài

Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng thuận với Ban Dân nguyện trong việc đề xuất một số kiến nghị trong vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội: Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, thu hồi đất không chỉ là công cụ hành chính bắt buộc, mà còn là một công cụ kinh tế của Nhà nước, nhằm xác định hợp lý các trường hợp thu hồi đất, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, hạn chế tiêu cực: Đối với Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương: Trong điều kiện chưa sửa đổi Luật đất đai, đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi hoặc ban hành mới Nghị định hướng dẫn quy định “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" trong đó xây dựng các tiêu chí để xác định đúng các trường hợp thu hồi đấ thật sự cần thiết vì lợi ích quốc gia, côngcộng (đường giao thông, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nghĩa trang,bãi rác, xử lý rác..); loại bỏ các dự án kinh tế vì lợi ích kinh doanh bất động sản, lợi ích chủ yếu của doanh nghiệp ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công như Khu du lịch sinh thái, khu chung cư, chỉnh trang đô thị mà bản chất là dưới trung tâm thương mại, trên là căn hộ để bán.

Căn cứ vào các tiêu chí được ban hành đế cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn, phê duyệt đúng các dự án thuộc trường hợp thu hồi đất theo mục đích đặt ra vì mục đích công hay kinh doanh có lợi nhuận là chủ yếu; nếu các dự an dau từ không bảo đảm đúng mục đích, tiêu chí đặt ra vì lợi ích công sẽ chuyên sang cơ chế thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân theo Điều 73 Luật Đất đai. Do vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chủ động xem xét từ giai đoạn thẩm định, phê duyệt dự án, đánh giá hiệu quả dự án, kiểm tra các dự án khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, cũng như trong hoạt động giải quyết khiếu nại, khiêu kiện, thanh tra, kiểm tra.

Đối với các dự án có phạm vi thu hồi đất rộng, qua nhiều địa phương cần thống nhất một chính sách bồi thường, hỗ trợ giữa các địa phương; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; minh bạch, dân chủ trong xác định các trường hợp thu hồi đất, cũng như trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất sau khi thu hồi; Bảo đảm thực hiện đúng mục đích và tiên độ dự án sau khi thu hồi đất, nếu chậm triển khai khẩn trương xác định nguyên nhân để có giải pháp xử lý kịp thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Quang cảnh Hội nghị

Thực hiện đúng quy định của Bộ Chính trị và pháp luật về tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Bí thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo quy định, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách. Khi giải quyết khiếu nại, phải nắm vững pháp luật về nội dung, không áp dung pháp luật thuần túy, coi trọng chính sách pháp luật, phải đem tấm lòng nhân ái đối trước những thiệt thòi của người dân bị thu hồi đất để giải quyết khiếu nại cho hợp tình, hợp lý vì thu hồi đất là thu hồi tư liệu sản xuất (pháp luật đất đai có nhiều thay đổi, có quá nhiều luật như Luật đất đai 1987, 1993, 2003, 2013 và dưới luật lại có nhiều nghị định nên việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất khác nhau).

Đối với các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh Tăng cường công tác giám sát công tác thâm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc phê duyệt các dự án tại địa phương; kịp thời phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh bất cập, xử lý sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan.

Khắc phục tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa" cân tăng cường giám sát chuyên để gắn với giám sát vụ việc bức xúc nổi cộm, kéo dài từ thực tiễn thực thi chính sách pháp luật đất đai đang đặt ra theo đơn thư của công dân; nghiên cứu trước nội dung vụ việc cần giám sát; quá trình giải quyết, dân khiếu nại nội dung gì; kết quả giải quyết có gì sai phạm. Đời sống người dân gặp khó khăn gì sau khi bị thu hồi đất. Cùng với việc nghe báo cáo cần tổ chức việc khảo sát thực tế, phải gắn giữa nghe chính quyền và trực tiếp nghe người dân; phải khảo sát hiện trường, từ đó đề xuất hướng giải quyết coi trọng chính sách pháp luật đảm bảo tính hợp lý không máy móc, áp dụng pháp luật thuần túy. Theo dõi đôn đốc người có thẩm quyền thực hiện kiến nghi sau giám sát, đeo bám đến cùng những bức xúc của người dân.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình khẳng định, ý kiến thảo luận, trao đổi của các đại biểu xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, mối quan tâm sâu sắc, tâm huyết và kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn công tác. Các ý kiến cung cấp nhiều thông tin, những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế về công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất và giải pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới. Trưởng Ban Dân nguyện- BTVQH tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội nghị, trên cơ sở đó sẽ báo cáo với UBTVQH xem xét trong quá tình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và trong hoạt động giám sát của Quốc hội.  Trưởng ban Dân nguyện cũng đề nghị các Đoàn ĐBQH, HĐND các địa phương quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban Dân nguyện để cùng giải quyết những vướng mắc, khiếu kiện của người dân trong thời gian tới                               

Vũ Châu