Học phí và chi phí đào tạo

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 16:10 - Chia sẻ

“Học phí đại học” có lẽ là từ khóa được nhắc tới nhiều nhất những ngày qua, khi các trường đại học công lập đã công bố đề án tuyển sinh năm 2020 và mức học phí mới. Trong đó, nhiều trường được tự chủ đã công bố mức học phí tăng gấp 2, thậm chí là gấp 5 lần, lên đến 50 - 70 triệu đồng/năm. Với mức học phí này, liệu sinh viên nghèo còn “có cửa” để vào các trường đại học hàng đầu?

Thực tế, khi các trường đại học hoạt động tự chủ, nguồn kinh phí chi thường xuyên bao cấp của Nhà nước sẽ bị cắt. Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, giải pháp tăng học phí là tất yếu. Song, tăng bao nhiêu, lộ trình tăng như thế nào lại là câu chuyện cần phải bàn. Nếu tất cả chỉ “bổ đầu” sinh viên thông qua việc tăng học phí liệu có hợp lý? Dĩ nhiên là không thể đòi hỏi học phí của các trường đại học công lập cần phải đủ thấp để mọi người nghèo đều có cơ hội học tập như nhau. Nhưng khi tính giá dịch vụ, các trường phải cân đối theo tình hình chung, bảo đảm người học chịu đựng được. Để học phí không trở thành rào cản với những học sinh nghèo học giỏi, thậm chí là cả những gia đình có thu nhập trung bình cũng không dám theo đuổi ước mơ chỉ vì gánh nặng học phí quá sức.

Thật ra, câu chuyện học phí đại học tăng sau khi tự chủ đã được nhắc đến nhiều lần, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Lúc đó, nhiều lo ngại được đặt ra, như cách nào để tránh việc tận thu, cơ chế nào để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề thu học phí, tránh việc lợi dụng tự chủ để đẩy khó về phía sinh viên và gia đình. Bởi các trường công lập được Nhà nước đầu tư sẵn cơ sở hạ tầng, thiết bị, không phải đóng thuế. Học phí thu được, được quyền chi tiêu tất cả, thậm chí không hoàn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị... cho Nhà nước. Vậy mà mức học phí mới, nhiều trường công còn cao hơn cả trường tư. Do vậy, việc tăng cao học phí một cách đột ngột, cần phải giải trình được cần đầu tư vào đâu, chi phí cho những hoạt động như thế nào.

Hiện các cơ sở giáo dục đại học công lập đáp ứng được Khoản 2 Điều 32 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học về các điều kiện để được tự chủ, đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên thì sẽ được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để hài hòa giữa nhà trường và người học, các cơ quan quản lý cần ban hành quy định về mức trần học phí theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục đào tạo để làm căn cứ để các trường ra được quyết định mức thu học phí. Ngoài ra, các trường cũng có thể huy động tài chính từ việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bằng việc đào tạo theo đơn đặt hàng của họ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo đơn đặt hàng của Nhà nước… chứ không chỉ lấy nguồn thu từ học phí làm chính.

Đối với sinh viên, nếu với mức học phí lên đến 70 triệu đồng/năm, mỗi sinh viên sẽ phải mất ít nhất 8 - 10 triệu đồng/tháng để sống tối thiểu. Trong khi đó, tín dụng sinh viên hiện nay chưa theo kịp tốc độ tăng học phí, theo Quyết định số 1656 /QĐ-TTg năm 2019, mức cho vay tối đa mới là 2,5 triệu đồng/tháng/sinh viên. Với mức vay thấp, sinh viên nghèo muốn học đại học chỉ có thể lựa chọn trường/chương trình đại trà, học phí thấp nhất, khó có thể tiếp cận trường/chương trình chất lượng cao, học phí cao. Do vậy, cần nâng mức hỗ trợ cho vay đối với sinh viên bởi vay để học rồi đi làm sẽ trả là xu thế chung của thế giới hiện nay. Người học và xã hội cũng nên thay đổi nhận thức, coi học đại học là một sự đầu tư xứng đáng.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, bảo đảm kinh phí đào tạo đại học phải là trách nhiệm chung của cả Nhà nước, trường học và người học chứ không phải trách nhiệm riêng của người học thông qua công cụ học phí. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Đặng Quang Việt từng nhấn mạnh rằng, không phải giao tự chủ là Nhà nước sẽ bỏ rơi, mà chỉ là thay đổi cách thức phân bổ ngân sách theo đơn đặt hàng. Do đó, không thể lẫn lộn, đánh đồng giữa học phí và chi phí đào tạo. Việc các trường đại học tự ý tăng học phí nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ làm mất cơ hội học tập của nhiều người, làm sai lệch ý nghĩa của chủ trương tự chủ đại học, trong khi chất lượng giáo dục chưa chắc tăng lên.

Chi An