"Hồi sinh" doanh nghiệp:

Giảm lãi suất cho vay là chưa đủ

- Thứ Năm, 16/07/2020, 18:14 - Chia sẻ
Dịch Covid- 19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến sản xuất kinh doanh. Điều này khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đi xuống mặc dù lãi vay đang ở mức thấp, dẫn đến thực trạng “dư thừa” tiền đối với nhiều ngân hàng. Giới chuyên gia nhìn nhận, nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cần phải "hồi sinh" các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để doanh nghiệp "hồi sinh", giảm lãi suất cho vay là chưa đủ.
Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay - (Nguồn: ITN)
Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay - (Nguồn: ITN)

Mặt bằng lãi suất giảm mạnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay mặt bằng lãi suất của các ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Lãi suất huy động, lãi suất các ngân hàng đang áp dụng để huy động vốn từ dân cư cũng liên tục giảm. Tính riêng từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã được nhiều ngân hàng "mạnh tay" cắt giảm từ 0,5% - 3%/năm. Những ngày cuối tháng 6, lãi suất liên ngân hàng qua đêm có lúc chỉ ở mức 0,175%/năm, mức thấp kỷ lục trên thị trường ngân hàng.

Đi đầu trong làn sóng giảm lãi suất là các ngân hàng quốc doanh. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất hầu hết các kỳ hạn: Kỳ hạn 1 và 2 tháng lãi suất giảm 0,3%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng giảm 0,25%/năm; kỳ hạn 6 tháng và các kỳ hạn dài 12 - 36 tháng giảm 0,5%/năm. Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,3%/năm; lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng đồng loạt giảm 0,5%/năm.

Với khối ngân hàng cổ phần, làn sóng giảm lãi suất cũng đồng loạt diễn ra. Theo biểu lãi suất huy động tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) mới cập nhật, các khoản tiền dưới 5 tỷ đồng kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh giảm từ 0,05 - 0,1 điểm phần trăm so với đầu tháng 6.2020 và dao động trong khoảng từ 4 - 4,2%/năm. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi từ 1-5 tháng với mức giảm 0,3%/năm, các kỳ hạn từ 6-11 tháng mức giảm dao động 0,6 - 0,8 %/năm. Biểu lãi suất kể từ ngày 1.7.2020 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho thấy, lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân tại quầy giảm 0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trong tháng 6.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho biết, nguồn vốn, tiền thừa, hiện tượng “dư tiền” trong hệ thống ngân hàng đã và đang diễn ra. Điều này khiến nhu cầu về quan hệ vay mượn của các ngân hàng trên thị trường giảm, dẫn đến lãi suất thị trường ngân hàng giảm rất nhanh và nhiều. Thậm chí có những gói ngân hàng đã triển khai nhưng khó giải ngân sau dịch vì nhu cầu vốn của khách hàng lúc này chưa có. Điều này khiến cho các tổ chức tín dụng buộc phải hạ cả lãi suất huy động cũng như cho vay, nếu không muốn nguồn vốn bị “ế”. không nhiều.

Hạ lãi suât huy động là mục tiêu nhằm hỗ trợ hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp - (Nguồn: ITN)
Hạ lãi suất huy động là mục tiêu nhằm hỗ trợ hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp (Nguồn: ITN)

Giãn nợ, khoanh nợ cần có khung thời gian dài hơn

Với tình hình đầu vào “dư thừa”, các ngân hàng tất yếu phải giải ngân vốn với giá rẻ và thấp hơn trước. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều động thái nhằm tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng. Dù vậy, việc đưa vốn ra nền kinh tế cũng cần có thêm các biện pháp hỗ trợ khác để đồng vốn phát huy được hiệu quả cũng như tăng sức hấp thụ của của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân, tác động của dịch Covid- 19 sẽ còn ảnh hưởng lâu dài, dẫn đến nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp vẫn thấp. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 11-14% là một thách thức và khó có thể đạt được. Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cần phải “hồi sinh" các doanh nghiệp, và giải pháp giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vẫn là chưa đủ. Bởi lẽ, hàng hóa sản xuất ra nhưng lại không bán được thì vốn rẻ cũng không có ý nghĩa gì, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

"Các doanh nghiệp phải hướng đến thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân, thay đổi đường hướng, cách thức tiếp cận để tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người dân trong nước, phải xem đây là "mặt trận" chủ đạo. Thời điểm này nếu kỳ vọng quá nhiều vào xuất khẩu, kể cả vào năm 2021, tôi cho rằng điều này rất khó", Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân nhìn nhận.

Bên cạnh đó, đối với những doanh nghiệp chưa trả được hết những khoản vay cũ vì chưa có nguồn để trả, theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) Nguyễn Hoài Nam, vấn đề giãn nợ, khoanh nợ cũng nên có khung khung thời gian dài hơn, bởi vì doanh nghiệp không phải chỉ cần vài ba tháng là sẽ phục hồi được như bình thường.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ đến cuối năm 2020, cũng như các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch vào ngày 23.1 sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại, mở rộng diện hỗ trợ so với hiện nay.

Thảo Anh