Hai việc cần làm ngay

- Thứ Tư, 17/06/2020, 09:00 - Chia sẻ
Mã số định danh cá nhân là đột phá rất lớn, rất tiến bộ, hiện đại. Nếu chúng ta làm tốt được vấn đề này sẽ tạo điều kiện cho quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự và cả các mối quan hệ xã hội khác, đặc biệt là quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế sẽ rất minh bạch.

Một số nước tiến bộ đã áp dụng biện pháp này từ rất lâu, bên cạnh những bí mật cá nhân của công dân, thì những gì thuộc về khâu quản lý hoặc là thông tin để cho các bên có thể tìm hiểu, cần được cập nhật vào mã số này. Ví dụ, tôi muốn tìm hiểu để ký hợp đồng dân sự với một đối tượng A thì chỉ cần bấm vào mã số định danh của người đó là hiện lên tất cả, trừ bí mật cá nhân, còn các quan hệ mà pháp luật cần phải công khai đều rõ, như: Nhân thân thế nào? Có tiền án, tiền sự không? Có bị xử lý vi phạm hành chính không? Bị xử lý như thế nào? Rồi các quan hệ kinh tế, dân sự có vấn đề gì không? Có bị ra tòa án phán quyết gì không? Hoặc có phải thực hiện nghĩa vụ nào về thi hành án không?

Tuy nhiên, để làm được điều này cũng còn nhiều vấn đề. Qua các báo cáo, đặc biệt là Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), hiện mới có khoảng 18 triệu số định danh cá nhân được cấp. Như vậy, còn khoảng 80 triệu dân chưa được cấp số định danh. Con số này rất lớn và chi phí để hoàn thành việc cấp mã số định danh này rất nhiều. Trong báo cáo của Bộ Công an cũng nêu nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về mặt kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này. Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn và bảo đảm cấp số định danh cá nhân cho khoảng 80 triệu dân thì việc quản lý cư trú theo phương thức mới mới hiệu quả.

Mặt khác, để vận hành được mã số định danh cá nhân, có hai việc rất quan trọng là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú. Tuy nhiên, hai việc này vẫn đang triển khai. Không biết từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến nếu được Quốc hội thông qua thì Luật này có hiệu lực từ 1.7.2021), hai nhiệm vụ này có hoàn thành kịp hay không? Theo quy định của Luật Căn cước công dân, chậm nhất là ngày 1.1.2020, chúng ta đã phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhưng đến nay, đã giữa năm 2020, công tác này chưa xong, vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Cụ thể là, mới hoàn thiện được khung pháp lý cho việc triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xây dựng hạ tầng trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhìn chung là chậm tiến độ so với yêu cầu của Luật Căn cước công dân. Báo cáo của Bộ Công an nêu khó khăn là do vấn đề kinh phí chưa được cấp đủ. Thủ tướng phê duyệt kinh phí là 3.085 tỷ đồng nhưng đến nay mới bố trí được 1.500 tỷ đồng, xấp xỉ 50%. Chúng ta đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào tháng 6.2021 thì phải có sự bổ sung nguồn lực.

Một vấn đề nữa là, khi chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thông qua số định danh cá nhân chúng ta sẽ bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú. Điều này sẽ tác động, ảnh hưởng rất lớn đến quy định về giấy tờ công dân trong rất nhiều thủ tục hành chính hiện nay, tác động tới nhiều chính sách liên quan đến hộ gia đình. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở… đều liên quan rất lớn đến sổ hộ khẩu. Việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân như hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng… cũng liên quan đến hộ khẩu, sổ hộ khẩu. Chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân đều dựa vào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) có một điều nói về các chủ hộ, như vậy cũng có thể ngầm hiểu là chúng ta thừa nhận có hộ gia đình, trong đó có chủ hộ… Tuy nhiên, để xử lý những vấn đề này như thế nào thì trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) còn hết sức mờ nhạt, phải nghiên cứu bổ sung để rõ hơn, chặt chẽ hơn.

ĐBQH Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc)