Góp ý chân thành hơn là chỉ trích

- Thứ Tư, 23/09/2020, 22:50 - Chia sẻ
Sau khi trở thành nữ vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 20, Thu Hằng, cô gái đến từ Ninh Bình đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích không đáng có, chủ yếu từ các trang mạng xã hội.

Nguồn cơn là bởi cách cô gái này thể hiện niềm vui chiến thắng "không được khiêm tốn" khi giải được ô chữ trong phần thi vượt chướng ngại vật; rồi cách thể hiện cảm xúc khi một thí sinh khác lựa chọn gói câu hỏi. "Người trong cuộc" cũng đã lên tiếng giải thích về hành động của mình. Vậy nhưng xem ra vẫn không đủ để khỏa lấp.

Trả lời trên báo chí mới đây, Mai Trang - MC dẫn chương trình ở điểm cầu Ninh Bình chia sẻ, cô đứng về phía Thu Hằng và mong em coi đây là một bài tập vượt qua sóng gió dư luận. Mai Trang đứng về phía Thu Hằng và các nhà leo núi, bởi ai trong tình huống của Thu Hằng cũng sẽ có cảm xúc tương tự, vì đây cô gái duy nhất trong 4 nhà leo núi, cô gái đầu tiên sau 9 năm giành vòng nguyệt quế, cô gái lần đầu tiên mang vinh quang về với Ninh Bình, cô gái ấy có quyền được cảm thấy hạnh phúc, vui sướng và vỡ oà trong niềm vui sướng ấy.

Mạng xã hội ngày càng phổ biến, đến mức có một bộ phận người sử dụng bị coi là “nghiện”. Ai cũng có thể lập một tài khoản, sau đó thoải mái thể hiện quan điểm, hay cũng được mà dở cũng chẳng sao. Thông tin trên đó cũng thật giả lẫn lộn; khó, thậm chí không thể kiểm chứng. Bởi vậy, điều quan trọng là ứng xử của mỗi cá nhân với những thông tin đó như thế nào. Những thông tin, bình luận trên mạng xã hội có thể là vô thưởng, vô phạt, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Mạng xã hội cũng có những mặt tích cực, ví dụ như vụ bắt cóc trẻ em mới đây ở Bắc Ninh, nếu như những thông tin về sự việc không lan tỏa một cách nhanh chóng thì cũng rất khó cho các cơ quan chức năng khi giải quyết sự việc. Như vậy, sẽ là tích cực nếu kiểm soát được hành vi cũng như những thông tin đăng tải. Đồng thời đây cũng là hạn chế nếu người đưa các thông tin đó sai sự thật hoặc không kiểm soát được nguồn thông tin; hoặc "quá tả" hoặc "quá hữu". Điều quan trọng là người đưa thông tin, người bình luận phải ý thức, phải kiểm soát được mình khi ở trong điều kiện ít bị ràng buộc về mặt đạo đức, thậm chí cả về pháp luật. Người tiếp nhận thông tin, cần chắt lọc, phân biệt đúng sai chứ không hùa theo “tâm lý đám đông”.

Hành động mừng chiến thắng của cô gái 17 tuổi không đến mức phải chịu nhiều "gạch đá" như vậy. Như tâm sự của MC dẫn chương trình ở điểm cầu Ninh Bình là mong khán giả hãy đặt mình vào vị trí của người khác trước khi phán xét bởi thật dễ dàng để chỉ nhìn một chiều, gửi một lời bình luận. Nhưng với một cô gái 17 tuổi, nó có thể gây tổn thương rất nhiều...

Thay vì "gạch đá" nên chăng, nếu góp ý thì nên chân thành, hơn là chỉ trích.

Khương Ninh