Phương pháp xét nghiệm nhóm

Giúp tiết kiệm thời gian và tăng năng lực xét nghiệm

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:26 - Chia sẻ
Từ ngày 5.8, TP Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm theo phương pháp gộp nhóm (group test), nhằm đẩy nhanh tiến độ truy vết trường hợp mắc Covid-19, giúp tiết kiệm thời gian và tăng năng lực xét nghiệm.

Lấy gần 900 mẫu bệnh phẩm gộp trong ngày đầu tiên

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng, trong ngày đầu triển khai xét nghiệm theo nhóm, ngành y tế đã lấy gần 900 mẫu bệnh phẩm gộp của gần 3.300 người trên địa bàn thành phố. Phương pháp xét nghiệm gộp theo nhóm được CDC Đà Nẵng triển khai để tăng tốc độ xét nghiệm nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả phân loại, xác định các yếu tố nguy cơ.

Theo đó, trong ngày đầu triển khai, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã lấy 511 mẫu của 2.204 người; Trung tâm Y tế quận Hải Châu lấy 187 mẫu của 607 người; Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang lấy 187 mẫu của 481 người. Tổng cộng có 885 mẫu/3.292 người từ các quận, huyện chuyển lên để CDC Đà Nẵng xét nghiệm SARS-CoV-2. Đây là 3 địa phương có ca lây nhiễm trong cộng đồng nên tiến hành việc triển khai thực hiện phương pháp này trước. Hiện CDC Đà Nẵng đang tích cực tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm gộp này tại các địa phương, khu vực được xác định có nguy cơ.

Theo đó, group test là phương pháp nhóm lại để xét nghiệm, bỏ nhiều mẫu vào trong một ống xét nghiệm để cho ra kết quả gộp. Cách này sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc xét nghiệm từng mẫu, giúp tăng năng lực xét nghiệm. Ban đầu, các cơ quan y tế nghi ngại là lấy nhiều mẫu, bỏ vào nhiều ống khác nhau sau đó gộp lại thì sợ cho kết quả không phản ánh chính xác. Song, theo đánh giá của các chuyên gia, việc lấy mẫu gộp để xét nghiệm là cách làm vừa bảo đảm yêu cầu về độ chính xác vừa rút ngắn thời gian trong bối cảnh gấp rút và khẩn trương như hiện nay. 

Phương pháp xét nghiệm gộp tập trung lấy mẫu tại các khu dân cư xuất hiện ổ dịch và có các ca mắc Covid-19, nhằm nhanh chóng khoanh vùng, truy vết và tăng năng lực xét nghiệm cộng đồng. Còn những trường hợp nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần (F1) vẫn được lấy mẫu xét nghiệm riêng. Hình thức được CDC Đà Nẵng áp dụng là gộp nhóm những mẫu trong hộ gia đình hoặc khu dân cư, từ 3 - 5 người. Từng dịch mẫu của mỗi người sẽ cho vào một ống. Nếu dương tính sẽ lấy riêng từng người để xét nghiệm lại.

Sau khi thông qua một số tài liệu, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đề nghị ngành y tế nghiên cứu; ngành y tế vừa khẳng định có thể áp dụng được.

Xét nghiệm nhóm giúp tiết kiệm thời gian  

Nguồn: Bộ Y Tế 

Bảo đảm hiệu quả xét nghiệm 

Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương PGS. TS. Lê Thị Quỳnh Mai, rất nhiều nơi trên thế giới đã có những bài báo công bố về cách làm thế nào để gộp mẫu xét nghiệm Covid-19 với điều kiện phải xét nghiệm với số lớn. Vì vậy, Việt Nam cũng có những chuẩn bị bước đầu cho tình huống phải xét nghiệm quá nhiều. Với phương pháp gộp nhóm xét nghiệm Covid-19, ngành y tế đã có thử nghiệm. Qua thử nghiệm cho thấy kết quả của việc gộp mẫu xét nghiệm và xét nghiệm đơn lẻ hầu như không có sự khác biệt, chỉ khác về vấn đề thời gian.

Thực tế khi phải làm quá nhiều mẫu, mà tỷ lệ ca dương tính bằng 0 thì sẽ khá tốn kém. Khi dịch lây lan rộng, việc tiến hành xét nghiệm cộng đồng sẽ có những ý nghĩa nhất định. Đối với những bệnh khác, cách "xét nghiệm gộp" này đã được thực hiện.

Theo các chuyên gia, ngành y tế cần có chính sách, chiến lược xét nghiệm để bảo đảm hiệu quả, nhất là chất lượng của xét nghiệm, tiếp đến phải tiết kiệm nhân lực, sinh phẩm hóa chất, các vật tư tiêu hao cũng như nguồn dự trữ để có thể làm việc lâu dài. Vì vậy, việc gộp mẫu cũng đã được đặt ra xem xét và nghiên cứu.

Việc gộp như thế nào, tiến hành của những đối tượng nào cần được xây dựng với quy trình cụ thể nhất. Theo đó, bất kỳ chiến lược nào cũng cần phải suy xét từng điều kiện mới tiến hành thực hiện. Với thành phố Đà Nẵng, tùy đối tượng để áp dụng phương pháp này. Ví dụ như nhóm đối tượng ở cộng đồng dân cư, thôn xóm đang bị phong tỏa vì có trường hợp dương tính với Covid-19 thì có thể áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp. Còn với những trường hợp bệnh nhân nghi ngờ, cần thiết phải cách ly ngay thì phải test đơn lẻ để cho kết quả sớm nhất.

Đỗ Quyên