Giám sát hoạt động đối ngoại tại Nghị viện Pháp: Quyền giám sát của Nghị viện

- Thứ Sáu, 21/03/2008, 00:00 - Chia sẻ
Nghị viện Pháp gồm Thượng viện và Hạ viện (còn gọi là Quốc hội). Nghị viện là 1 trong 3 trụ cột quyền lực chính trị ở Pháp theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Nhưng vai trò của Nghị viện đối với lĩnh vực đối ngoại không chỉ nằm ở chức năng lập pháp mà còn ở chức năng giám sát.

      Cơ cấu quyền lực ở Pháp hiện nay được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1958 và được gọi là nền Cộng hòa đệ ngũ. Vào thời điểm năm 1958, các chính trị gia Pháp đều nhất trí cho rằng Nghị viện dưới thời Đệ tứ Cộng hòa có quá nhiều quyền lực (trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, gần như mỗi năm có 1 hoặc 2 Chính phủ sụp đổ do Nghị viện bỏ phiếu bất tín nhiệm). Vì thế, mục tiêu khi soạn thảo Hiến pháp năm 1958 là vừa tạo thế cân bằng giữa cơ quan lập pháp và hành pháp, vừa duy trì truyền thống của chính thể cộng hòa đại nghị nhằm mang lại cho các chính phủ sự ổn định nhất định. Tuy nhiên, điều này cuối cùng lại khiến cán cân quyền lực nghiêng nhiều hơn về phía hành pháp. Đặc biệt, kể từ năm 1962, Tổng thống Pháp được bầu phổ thông đầu phiếu trực tiếp, càng tăng cường vị thế của cơ quan hành pháp trước cơ quan lập pháp.
      Việc áp dụng phương pháp bỏ phiếu đa số mới ở Nghị viện thay vì phương pháp bỏ phiếu hai vòng như trước kia cũng giúp Chính phủ dễ dàng hơn trong việc thông qua các đạo luật. Trong khi đó, Chính phủ lại do đảng hoặc liên minh đảng chiếm đa số thành lập đã giúp Chính phủ có được sự ủng hộ của phe đa số ở Quốc hội và khiến vai trò “giám sát” của phe thiểu số đối lập bị hạn chế. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1958 còn đặt ra một loạt các điều khoản nhằm hạn chế khả năng Nghị viện gây sức ép quá lớn lên Chính phủ hoặc lật đổ chính phủ. Điều này dẫn đến vai trò giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp trong nền Đệ ngũ Cộng hòa  trở nên yếu hơn so với trong nền Đệ tứ Cộng hòa (trước năm 1958).
      Tuy vậy, chính Tướng De Gaulle - cha đẻ của Hiến pháp 1958, cũng phải thừa nhận rằng một trong hai thẩm quyền chính của Quốc hội là giám sát và đây cũng là thẩm quyền truyền thống của Quốc hội. Hiến pháp năm 1958 của Pháp mặc dù dành ưu tiên cho cơ quan hành pháp nhưng vẫn đặt ra các cơ chế và công cụ giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp, trong đó có lĩnh vực đối ngoại.

Hồng Hà