Ban Văn hoá - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội:

Giám sát "đúng" và "trúng" các vấn đề cử tri quan tâm

- Thứ Ba, 14/07/2020, 14:28 - Chia sẻ
Thời gian qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong các hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra, cung cấp nhiều thông tin giúp cho đại biểu HĐND thành phố nghiên cứu, thảo luận, quyết định tại các kỳ họp.

Chủ động vào cuộc sớm trong thẩm tra

Để chuẩn bị tốt chương trình, nội dung các kỳ họp, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố đều chủ động tổ chức thẩm tra sớm, cho ý kiến sâu vào những nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội. Đối với những lĩnh vực còn nhiều ý kiến khác nhau, Ban còn chủ động tổ chức khảo sát chuyên đề để bổ sung những thông tin phục vụ công tác thẩm tra.

Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh cho biết: Từ năm 2019 đến nay, Ban đã phối hợp với các ban HĐND thành phố thẩm tra hơn 20 báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết. Quá trình thẩm tra được thực hiện đúng trình tự luật định, kỹ lưỡng và khoa học; thành viên của Ban phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố ngay từ đầu trong việc xây dựng, góp ý vào báo cáo, tờ trình, đề án trình HĐND thành phố, nhất là những nội dung lớn, phức tạp, còn có ý kiến khác nhau.

Đơn cử như Nghị quyết  số 04/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội. Đây là nghị quyết liên quan đến đời sống dân sinh, đối tượng thụ hưởng lớn, nên Ban đã thực hiện khảo sát kỹ, đưa ra những nhận định, quan điểm trên cơ sở khảo sát thực tế, từ đó giúp đại biểu xem xét, quyết định thông qua. Đến nay, nghị quyết đã đi vào cuộc sống và được người dân đón nhận.

Cử tri Nguyễn Anh Minh (phường Phú La, quận Hà Đông) nhận xét, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND thực sự nhân văn đối với nhóm đối tượng thụ hưởng là người già cô đơn, người khuyết tật nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo. Chính sách hỗ trợ đã làm ấm lòng những người yếu thế, khó khăn, neo đơn trên địa bàn thành phố.

Không chỉ thẩm tra tốt về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố còn thực hiện tốt các nhiệm vụ đột xuất theo phân công của Thường trực HĐND thành phố. Tháng 5/2020, Ban đã khảo sát, nắm bắt tình hình về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Qua khảo sát, Ban đã cung cấp những thông tin quan trọng về người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; người lao động, người sử dụng lao động và các hộ sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở, HĐND thành phố xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố về quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội.

Chú trọng giám sát, khảo sát chuyên đề

Căn cứ vào chương trình giám sát của HĐND và tình hình thực tế, hằng năm, Ban Văn hóa-Xã hội tổ chức từ 7 đến 9 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề. Từ năm 2019 đến nay, Ban đã thực hiện 10 cuộc giám sát, khảo sát. Trong đó năm 2020, Ban thực hiện 2 cuộc khảo sát về công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố; thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng cho biết, với tinh thần đổi mới hoạt động, nên phương thức giám sát của Ban có sự kết hợp cả giám sát tổng thể và giám sát chuyên đề; giám sát rộng và giám sát có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp nghe báo cáo với nghiên cứu văn bản và khảo sát thực tế. Cùng một nội dung có thể giám sát ở nhiều địa bàn, làm việc với nhiều cơ quan, đối tượng khác nhau để có thông tin nhiều chiều. Sau giám sát, khảo sát, các kiến nghị của Ban được UBND thành phố kịp thời chỉ đạo giải quyết. Đặc biệt, kết quả giám sát, khảo sát vừa phục vụ cho công tác thẩm tra trước các kỳ họp của ban, vừa cung cấp thông tin cho các đại biểu HĐND trong quá trình chất vấn, tái chất vấn hoặc thảo luận, quyết định những nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa-xã hội.

Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, theo chương trình công tác, Ban thực hiện giám sát việc xây dựng và công nhận trường mầm non, tiểu học, trung học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2016 đến nay vào quý I/2020. Song do tình hình dịch Covid-19, nên ban lùi lại thực hiện trong quý II/2020. Vì thế, trong tháng 6 này, ngoài thực hiện giám sát nội dung trên, Ban còn thực hiện giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hà Nội; tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố tổ chức Đoàn giám sát tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị giám sát việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã được Ban Văn hóa-Xã hội tham mưu hoàn tất. Theo đó, Thường trực HĐND thành phố sẽ mở đầu đợt giám sát, làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các quận, huyện, thị xã, nhằm làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn vướng mắc và tổng hợp những đề xuất kiến nghị liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

PHI LONG