Giám sát công tác xử lý nước thải tại Thạch Thất

- Thứ Ba, 14/07/2020, 11:37 - Chia sẻ
Triển khai kế hoạch giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP đã làm việc với UBND huyện Thạch Thất và đi giám sát trực tiếp tại Cụm công nghiệp Phùng Xá, xã Phùng Xá.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kim Loan cho biết, trên địa bàn huyện có 07 cụm công nghiệp, trong đó, mới có 02 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải là cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá công suất 200m3/ngày đêm và Cụm công nghiệp Bình Phú 21,8ha đã có hệ thống xử lý nước thải quy mô 600m3/ngày đêm, xử lý theo công nghệ Nano.

Tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện các quy định pháp luật về xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện là công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng tại các CCN không đồng bộ, một số hạng mục công trình phụ trợ như Trạm xử lý nước thải, điểm tập kết rác thải, hạng mục công trình phục vụ PCCC, nhà điều hành của Cụm công nghiệp không có trong danh mục đầu tư. Hệ thống thoát nước tại các cụm công nghiệp không tách riêng nước mưa, nước thải. Các Cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các hộ SXKD được thuê đất trong Cụm công nghiệp với tư duy hộ gia đình chưa có xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản hay kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định; công trình xử lý khí thải, nước thải sơ sài không đảm bảo.

Đối với Trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Bình Phú 21,18ha chưa kết nối thu gom toàn bộ nước thải của các cơ sở SXKD khu vực lân cận (công suất xử lý theo thiết kế 600m3/ngày đêm) thực tế hiện nay chỉ có 10 đơn vị trong cụm công nghiệp đấu nối; thành phần nước thải là nước thải sinh hoạt do đó việc vận hành xử lý nước thải sản xuất gây lãng phí và không đủ kinh phí duy trì vận hành.

Còn đối với Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá đã có hệ thống xử lý nước thải năm 2010, nhưng, hiện nay, công nghệ lạc hậu, hạ tầng xuống cấp. Trạm xử lý thiết kế với công nghệ và Modul chỉ phục vụ xử lý nước thải mạ của 15 hộ sản xuất mạ trong Cụm, còn lại hơn 300 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể sản xuất ngành nghề khác thì không xử lý được nước thải. 

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hồng, thực hiện các nội dung kiến nghị của Đoàn giám sát của Ban Đô thị tại báo cáo số 99/BC-HĐND ngày 15/9/2017, UBND huyện đã chỉ đạo BQL dự án Đầu tư xây dựng nhận bàn giao Trạm xử lý nước thải công nghiệp tại cụm công nghiệp Bình Phú; tổ chức vận hành Trạm xử lý; 10 đơn vị trong cụm công nghiệp Bình Phú đấu nối nối với hệ thống xử lý nước thải công nghiệp của cụm. Tuy nhiên, do, hiện nay, chưa thống nhất đơn giá xử lý nên chưa thực hiện thu đối với các doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, huyện Thạch Thất kiến nghị Thành phố đôn đốc Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại CCN Bình Phú I, CCN Canh Nậu, CCN Kim Quan. Đồng thời, đề nghị Thành phố bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các CCN đang hoạt động trên địa bàn huyện theo chương trình hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2020-2023 do Sở Công Thương đề xuất. 

Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng đoàn giám sát đánh giá, huyện Thạch Thất đã triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật về việc xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp. Hoạt động của khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã có sự đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, tình hình chung trên địa bàn thành phố và riêng tại huyện Thạch Thất về công tác xử lý nước thải cụm công nghiệp, làng nghề vẫn có nhiều tồn tại, hạn chế. Trên địa bàn huyện tỷ lệ đầu tư hệ thống xử lý nước thải còn thấp, tới đây, nếu đầu tư thêm 3 trạm thì cũng chỉ mới có 5 trạm. Việc quản lý, vận hành trạm cũng còn bất cập, hiệu quả chưa cao. Công nghệ đến nay đã quá lạc hậu, việc đấu nối của các hộ sản xuất chưa triệt để, chưa xây dựng được đơn giá để thu phí,… do đó, bắt buộc phải rà soát, đánh giá lại để có giải pháp xử lý.

Trưởng đoàn giám sát ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị của huyện Thạch Thất để tổng hợp báo cáo thành phố có hướng chỉ đạo giải quyết. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo UBND huyện quan tâm rà soát, bố trí diện tích đất để đầu tư trạm xử lý cho toàn bộ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Về vấn đề thu phí, đề nghị huyện rà soát, nghiên cứu dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, đánh giá để phân định rõ từng đối tượng thuộc trách nhiệm thu phí của huyện hay thành phố; khẩn trương tiến hành thu phí đối với việc này, từ đó nâng cao trách nhiệm của các đơn vị sản xuất trong khu, cụm công nghiệp.

PHI LONG