Giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Sóc Sơn

- Thứ Ba, 14/07/2020, 14:20 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từ năm 2016 đến nay, Đoàn giám sát số 01 của Thường trực HĐND thành phố, do đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố làm trưởng đoàn, đã làm việc với huyện Sóc Sơn.

Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 175 lớp đào tạo nghề với 6.079 lao động nông thôn, là đơn vị có số lao động nông thôn được đào tạo đứng thứ 4 Thành phố. Trong đó, nghề nông nghiệp 5.414 lao động, chiếm 89,06% tổng lao động được đào tạo; Nghề Phi nông nghiệp 665 lao động, chiếm 10,94%. Số người có việc làm sau đào tạo nghề là đạt tỷ lệ 88,37, tuy nhiên, số lao động tự tạo việc làm chiếm 93,35%. Tất cả các học viên tham gia học nghề được hỗ trợ 100% kinh phí; các đối tượng học viên thuộc đối tượng 1, đối tượng 2 (người có công, đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo) được hỗ trợ tiền ăn cho các ngày thực học.

Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng, triển khai được 12 mô hình điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân 3.000.000 - 4.500.000 đồng/người/tháng. Việc triển khai đào tạo nghề trên địa bàn Huyện đã góp phần cung cấp thêm các kỹ năng, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống cho lao động nông thôn sau khi học nghề. 

Để công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu học nghề và phù hợp với thời gian của lao động nông thôn, UBND huyện Sóc Sơn kiến nghị cần giảm thời gian đối với các nghề nông nghiệp, tăng thời gian đào tạo đối với các nghề nông nghiệp, tăng thời gian đối với các nghề phi nông nghiệp. Đồng thời, mở rộng thêm các ngành nghề đào tạo như: chế biến món ăn, cắt tỉa hoa, khánh tiết, chế biến thực phẩm…

Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả đạt được của huyện Sóc Sơn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, đào tạo nghề theo nhu cầu người học trên địa bàn huyện những năm qua hiệu quả chưa cao, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; Chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp; Một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo.

“Lãnh đạo huyện phải xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là việc khó nhưng cũng là việc rất quan trọng. Vì vậy, cần tập trung đánh giá nhu cầu sát thực tế, rà soát, kiểm tra lại các kế hoạch, trong đó, lưu ý đào tạo nghề phải gắn với sự phát triển của địa phương cũng như gắn với các quy hoạch, cơ cấu kinh tế; Đặc biệt, phải quan tâm đến chất lượng đào tạo, cơ sở vậy chất, chương trình đào tạo, hiệu quả sau đào tạo” - đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố cũng yêu cầu huyện tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, có biện pháp giúp người lao động giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; các tổ chức chính trị xã hội và người dân trong việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo việc tổ chức dạy và học đúng đối tượng, đủ thời gian theo chương trình đào tạo.

PHI LONG