Giám sát chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo

Bài 1: Thu thập thông tin từ “người trong cuộc”

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 17:28 - Chia sẻ
​​​​​​​Để lựa chọn được vấn đề hoặc nội dung giám sát, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn là quá trình lựa chọn vấn đề ưu tiên trong giám sát, phải trả lời câu hỏi tại sao chọn nội dung đó? Cần thu thập được thông tin nhiều chiều, thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó, kênh thông qua TXCT thu thập ý kiến từ phụ huynh học sinh, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên đứng lớp -  những “người trong cuộc” khá quan trọng. Một kênh nữa là qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các báo chính thống.

 Ở địa phương, giáo dục - đào tạo là lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng nhất, có số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đông, sử dụng nguồn ngân sách chi thường xuyên lớn; đồng thời, cũng là lĩnh vực chịu sự điều chỉnh của nhiều chính sách, pháp luật (gồm cả của Trung ương và địa phương). Do vậy, để các chính sách, pháp luật được thực thi tốt, hiệu quả, vai trò giám sát của HĐND không thể thiếu. Tuy nhiên với diện rộng, nhiều đối tượng và có nhiều chính sách, pháp luật cùng được thực thi, trong khi nguồn lực phục vụ giám sát có hạn, nhất là nguồn nhân lực, việc giám sát như thế nào để thực sự có hiệu quả không dễ.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh làm việc với UBND thị xã Kỳ Anh về việc thực hiện các chế độ, chính sách lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2018 - Ảnh: Nguyễn Hoa

Thu thập thông tin nhiều chiều, qua nhiều kênh

Để tổ chức một cuộc giám sát mang lại hiệu quả, cơ quan tổ chức giám sát cần tuân thủ các quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Song, đối với việc giám sát các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, do có những đặc thù riêng nên quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện cần chú ý một nội dung để mang lại hiệu quả cao nhất.

 

Trước hết là giám sát nội dung gì trong rất nhiều nội dung của pháp luật và chính sách dưới luật đang triển khai thực hiện trong ngành giáo dục? Vấn đề này tùy thuộc vào tình hình cụ thể từng địa phương, từng giai đoạn và từng năm, song tôi thấy cần xác định rõ có ba vấn đề cần quan tâm đó là:

Vấn đề thứ nhất, giám sát các chính sách được thực hiện trong khoảng thời gian dài, để đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách đó, kết quả đạt được và phát hiện những tồn tại, bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung. Ví dụ: Giám sát Luật Giáo dục; hoặc giám sát việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo…

Vấn đề thứ hai, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm, từng giai đoạn để giám sát vào một chính sách cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều tồn tại, hoặc dư luận chưa đồng tình. Đơn cử, giám sát việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tại Hà Tĩnh; hoặc giám sát công tác thu chi trong trường học tại Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2018…

Vấn đề thứ ba, giám sát, khảo sát thường xuyên theo các chuyên đề hoặc một nội dung trong nhiều nội dung của chính sách. Đơn cử như việc thực hiện quy hoạch sáp nhập các trường học; hoặc thực hiện tinh giản biên chế dôi dư trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của chính sách phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2010 - 2015…

Trong các vấn đề nêu trên, vấn đề thứ nhất cần căn cứ vào tình hình của từng giai đoạn để quyết định tổ chức giám sát vào năm nào, giai đoạn nào? Còn hai vấn đề sau, việc lựa chọn nội dung giám sát cần được cân nhắc kỹ, bảo đảm sự lựa chọn đó là chính xác, phù hợp nhất cho từng năm và hiệu quả giám sát đạt cao. Để lựa chọn được vấn đề hoặc nội dung giám sát, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn là quá trình lựa chọn vấn đề ưu tiên trong giám sát, phải trả lời câu hỏi tại sao chọn nội dung đó? Để trả lời được chính xác, chắc chắn phải căn cứ vào thông tin. Do vậy, cần thu thập được thông tin nhiều chiều, thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong các kênh thông tin đó, kênh thông qua TXCT thu thập ý kiến từ phụ huynh học sinh, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên đứng lớp – những “người trong cuộc” khá quan trọng. Một kênh nữa là qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các báo chính thống phản ánh về những mặt tốt cũng như những bất cập của lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại địa phương.

Ngoài ra, khi lựa chọn nội dung thuộc cả ba vấn đề nêu trên, cần lưu ý thông tin từ các chương trình kế hoạch hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan tại địa phương liên quan tới lĩnh vực giáo dục - đào tạo trong năm.

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp

Lựa chọn phương pháp giám sát cũng là nội dung cần được quan tâm. Căn cứ vào nội dung giám sát để xác định đúng phương pháp cần sử dụng trong giám sát như tổ chức các cuộc làm việc, tiếp xúc cá nhân hoặc tiếp xúc nhóm theo chuyên đề trước khi làm việc với các cơ quan chức năng. Trong đó, đối tượng cần gặp gỡ tiếp xúc, làm việc, nhất là các đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của chính sách.

Do chính sách giáo dục được áp dụng cho nhiều đối tượng, nhiều địa bàn (trừ một số chính sách đặc thù cho một số nhóm đối tượng) nên khi giám sát các chính sách chung cần chú ý tới các nhóm đối tượng cũng như địa bàn khác nhau. Trong quá trình giám sát, cùng một chính sách nhưng địa bàn này thì thực hiện tốt, nhưng địa bàn khác lại chưa tốt. Từ đó, phải tìm ra nguyên nhân tại sao tốt và tại sao chưa tốt để đưa ra những kiến nghị chuẩn xác nhất.

ĐOÀN ĐÌNH ANH