Giảm bớt áp lực điểm số

- Thứ Hai, 15/06/2020, 09:33 - Chia sẻ
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT theo hướng đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Mục đích chính mà dự thảo Thông tư hướng tới coi trọng sự tiến bộ, nỗ lực của người học, đánh giá cả quá trình, coi việc đánh giá là một công cụ quản lý học tập hiệu quả, giúp học sinh giảm bớt áp lực điểm số.

Những thay đổi quan trọng trong dự thảo là bỏ xếp loại học sinh yếu, giảm số đầu điểm, đa dạng hóa hình thức kiểm tra và xem ngoại ngữ là môn có tầm quan trọng như toán, văn trong xếp loại. Dự thảo cũng bổ sung quy định nếu học sinh không đủ điều kiện để đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh khá nhưng đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện thì được hiệu trưởng nhà trường tặng giấy khen. Một điểm mới nữa là sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số với hầu hết các môn học thay vì có môn chỉ cho điểm, có môn chỉ đánh giá bằng nhận xét như hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Thông tư số 58 là bước đệm để tiếp cận dần với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc đánh giá, xếp loại bằng nhận xét (định tính) và bằng điểm (định lượng) là hai hình thức bổ sung cho nhau, giúp học sinh biết được mình đang ở mức độ nào để tiếp tục phấn đấu. Thực tế, không phải ngẫu nhiên mà trong chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục phổ thông, ngành giáo dục chọn đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu đột phá nhằm thúc đẩy các quá trình khác như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động dạy học và đổi mới quản lý. Bởi nếu thực hiện được việc kiểm tra đánh giá theo hướng vì sự tiến bộ của người học, giúp phát triển năng lực người học, thì quá trình dạy học cũng trở nên tích cực hơn rất nhiều.

Trong những năm qua, mặc dù việc kiểm tra, đánh giá học sinh đã có những đổi mới nhưng trong thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Không ít giáo viên vẫn theo nếp cũ, lối mòn, từ cách tổ chức kiểm tra, ra đề, chấm điểm, ít khi tạo sự hứng thú cho học sinh. Kiểm tra nghiêng về cho điểm, ít đánh giá thái độ, quá trình hay các hoạt động khác của học sinh. Không ít trường hợp việc kiểm tra gây áp lực, thậm chí làm tổn thương học sinh. Vì thế, việc đổi mới kiểm tra đánh giá của ngành giáo dục theo dự thảo Thông tư được ghi nhận đã điều chỉnh theo hướng nhân văn, hiện đại, phù hợp thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn rằng, dù dự thảo đã đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá người học nhưng hiện tại các kỳ thi mang tính chuẩn hóa như kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh vào đại học lại thiên về định lượng là điểm số. Chủ yếu là kiểm tra qua hình thức viết, tự luận. Điều này buộc giáo viên quay trở lại cách kiểm tra, đánh giá cũ vào những năm học sinh học cuối cấp. Điều này sẽ gây không ít khó khăn khi thực hiện các đổi mới trong đánh giá, nhận xét học sinh khi thực hiện.

Hơn nữa, để thực hiện được việc đa dạng hóa hình thức kiểm tra này đòi hỏi nhà trường phải có nội quy khá chi tiết, cụ thể và phổ biến đầy đủ trong giáo viên lẫn học sinh để có căn cứ thực hiện và đánh giá. Đây là “hành lang” pháp lý về mặt chuyên môn hết sức cần thiết mà nhà trường cần xây dựng để giáo viên tự tin, yên tâm đổi mới sáng tạo trong kiểm tra, đánh giá, tránh tùy tiện, rủi ro. Còn quan trọng nhất, vẫn là nhận thức và tinh thần trách nhiệm của người thầy. Khi giáo viên hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc đổi mới kiểm tra, bản thân nâng cao tinh thần trách nhiệm, có tinh thần tôn trọng học sinh thì mới có thể thông qua đổi mới kiểm tra đánh giá phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người học, giúp các em tiến bộ.

Do đó, thay đổi cách đánh giá người học từ việc cho điểm sang động viên, khen, khích lệ, ghi chép, nhận xét cụ thể là việc quan trọng cần được áp dụng ngay, nhưng nếu không có hướng dẫn cụ thể, khoa học, phù hợp thì hiệu quả sẽ chỉ có thể ở mức độ nhất định.

Chi An