Vai trò của Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động

Giải quyết những vấn đề phát sinh

- Chủ Nhật, 07/06/2020, 07:22 - Chia sẻ
Với tư cách là một chủ thể tham gia vào hoạt động XKLĐ, trong những trường hợp cần thiết, nhà nước phải trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh từ hoạt động XKLĐ mà bản thân các tổ chức, doanh nghiệp và người lao động không thể đảm đương được, cả trước, trong và sau khi người lao động hết hợp đồng làm việc về nước.

Tái hòa nhập cộng đồng

Đây là một vấn đề cần phải nghiên cứu không chỉ với những nước XKLĐ nhiều mà cả với những nước mới tham gia vào thị trường XKLĐ quốc tế như Việt Nam. Mặc dù Philippines là nước XKLĐ nhiều đứng thứ hai trên thế giới nhưng bản thân họ cũng gặp nhiều khó khăn giải quyết được vấn đề này. Người lao động của Philippines được cấp chứng nhận “Batik Manggagawa” để sau khi kết thúc hợp đồng có thể trở về nơi làm cũ, nhưng trong thực tế nhiều người đi XKLĐ sau khi về nước vẫn thất nghiệp, chính vì vậy mà tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng lên. 

Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ Philippines đã có các chương trình hỗ trợ người lao động hồi hương như: sinh kế và phát triển nghề nghiệp, tư vấn kinh doanh hoặc đào tạo kinh doanh cho những người đủ vốn và muốn mở kinh doanh khi về nước (thông qua Cục Phát triển thương nghiệp vừa và nhỏ). Cục Quản lý việc làm ngoài nước còn phối hợp với ILO, để có những dự án thành lập các trung tâm đào tạo ở các vùng có nhiều lao động xuất khẩu.

Chính phủ Philippines cũng đưa ra Chính sách Tín dụng hỗ trợ tái hòa nhập, cho vay sinh kế đối với các gia đình là 100.000 Peso (khoảng 1.850 USD), cho vay hồi cư là 20.000 Peso (370 USD) và tối đa là 50.000 Peso (khoảng 925 USD đối với các khoản vay trợ giúp nhóm. Chính phủ cũng đặt quan hệ với các tổ chức phi chính phủ trong việc tạo điều kiện dễ dàng về tín dụng và sinh kế cho người lao động hồi hương. Ngoài ra, các khoản cho vay về nhà ở và các khoản trọn gói cũng được đưa ra với những người lao động là thành viên của Quỹ Phát triển tương hỗ về nhà ở.

"Chảy máu chất xám"

Vấn đề "chảy máu chất xám" hiện nay không còn là vấn đề riêng của các nước đang phát triển mà nó là vấn đề của nhiều nước trên thế giới. Những lao động có trình độ và kinh nghiệm thường tìm những cơ hội để đến những nước phát triển có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn để làm việc. Họ có thể tìm kiếm cơ hội thông qua các việc thi tuyển trực tiếp của các công ty ở nước ngoài hoặc là đi theo con đường XKLĐ rồi tìm cách để ở lại nước ngoài. Nếu các nước XKLĐ chỉ chú trọng đến lợi ích về kinh tế mà xuất khẩu quá nhiều lao động có trình độ chuyên môn thì sẽ gây ra tình trạng thiếu lao động giỏi. Kinh nghiệm của Philippines cho thấy, việc XKLĐ ồ ạt kể cả những người có chuyên môn, công nhân kỹ thuật cao như: kỹ sư, phi công, bác sĩ, y tá, giáo viên dẫn đến việc Philippines phải đối mặt với nạn thiếu hụt nhân lực bậc cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Số liệu năm 2002 cho thấy: có tới 35% số người đi XKLĐ là những người có trình độ chuyên môn cao. Các bệnh viện và trường học ở châu Âu và Hoa kỳ thì thường tìm kiếm những bác sĩ, y tá, giáo viên đến từ Philippines bởi vì họ được đào tạo về chuyên môn tốt và thông thạo tiếng anh. Chính vì vậy mà nhiều bệnh viện ở Philippines hiện nay không có đủ bác sĩ để hoạt động. Tuy ở các nước như Indonesia, Thái Lan hay Việt Nam số lao động có trình độ cao đi XKLĐ chưa phải là nhiều nhưng cũng phải hết sức quan tâm và có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, nếu không sẽ gặp phải vấn đề này trong thời gian tới.

Khía cạnh xã hội

Bên cạnh những lợi ích mà XKLĐ đem lại thì còn có những tác động xấu khó tránh khỏi như: việc gia tăng tệ nạn xã hội đặc biệt là tình trạng lao động nữ ra nước ngoài làm việc và trở thành gái mại dâm, có nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS cao, sự suy thoái của nền móng gia đình, hình thành tâm lý thích ra nước ngoài làm thuê… Kinh nghiệm của Philippines, Thái Lan, Indonesia cho thấy, Chính phủ phải có chương trình hành động mang tính xã hội để giúp người lao động và gia đình của họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, nâng cao sự hiểu biết cho người lao động để họ có những kỹ năng cần thiết khi ra nước ngoài làm việc và có khả năng tự bảo vệ mình, hướng dẫn các gia đình sử dụng có hiệu quả thu nhập từ lao động ở nước ngoài tránh lãng phí. Tuy nhiên đây là vấn đề mà hầu hết các nước đều gặp phải và đều khó giải quyết triệt để vì hậu quả để lại thường là mang tính lâu dài.

Đạt Quốc