Giải quyết “3 đọng” để thúc đẩy giải ngân đầu tư công

- Thứ Sáu, 17/07/2020, 05:11 - Chia sẻ
Tại hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sáng 16.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, cần nhìn nhận giải ngân vốn đầu tư công là “cứu cánh" sau đại dịch Covid-19, do vậy phải giải quyết cho được “3 đọng”: không đọng vốn, không nợ đọng và không đọng thủ tục.

Nhiều thuận lợi song chỉ giải ngân được 33,9% 

Theo đánh giá của các đại biểu, có nhiều yếu tố thuận lợi để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay. Cụ thể, vốn giao sớm, giao 1 lần toàn bộ kế hoạch, qua đó các địa phương có thể phân khai chi tiết vốn đầu tư công sớm. Thủ tướng và Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công tại Chỉ thị 11/CT –TTg, Nghị quyết 84/NQ-CP. Bên cạnh đó, các bộ, ngành kịp thời hướng về thủ tục đầu tư, thủ tục thanh toán; phân cấp cho các địa phương chuyển giao vốn giữa các dự án…

Muốn thúc đẩy đầu tư công, không để đọng vốn, không nợ đọng và không đọng thủ tục
Nguồn: ITN

Dù vậy, "tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm tuy có tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp so với yêu cầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết. Theo đó, 6 tháng đầu năm ước giải ngân 159.397 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao); trong đó vốn trong nước là 145.270 tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.061 tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065 tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch). Hiện chỉ có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương giải ngân dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 5%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 9 nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến giải ngân chậm. Về khách quan, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng và quản lý chi phí theo quy định tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Một số quy định giữa Nghị định 68 và Thông tư hướng dẫn chưa thống nhất nên gây ra vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án như quy định về chuyển tiếp. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về cơ sở pháp lý, hồ sơ tài liệu cần bảo đảm để cơ quan tài chính thực hiện hạch toán ghi thu ngân sách nhà nước về giá trị tài sản công đối với giá trị tài sản công thanh toán. Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn dự án...

Về chủ quan, công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm minh bạch, công bằng; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả…

“Gắn giải ngân với công tác thi đua khen thưởng”

Nhìn nhận việc giải ngân hết khoảng 28 tỷ USD (tương đương trện 630.000 tỷ đồng) trong năm nay là nhiệm vụ rất quan trọng để góp phần giải quyết việc làm, thu nhập, giúp nền kinh tế tăng trưởng, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị cùng kinh nghiệm để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Theo đó, trước hết, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần xác định phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt.

Dẫn kinh nghiệm tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, đến thời điểm này, tỉnh đã giải ngân trên 70% kế hoạch vốn. Lãnh đạo tỉnh xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, việc giải quyết thủ tục luôn được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là việc hoàn thiện thủ tục đầu tư trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa UBND và HĐND tỉnh. HĐND tỉnh có thể họp bất thường khi cần thiết. Tỉnh cũng giao trách nhiệm cụ thể cho bí thư các huyện trong việc giải ngân. Hàng tuần, đối với những dự án trọng điểm, chủ đầu tư phải báo cáo về UBND tỉnh để rà soát, chỉ đạo, giải quyết ngay các vướng mắc; công khai trên báo đài các trường hợp giải ngân tốt cũng như chưa tốt để đốc thúc thực hiện…

Hay tại Nghệ An, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung chia sẻ: Tỉnh đã thực hiện phân khai ngay từ đầu; thành lập các tổ công tác để đôn đốc, chỉ đạo việc giải ngân. Với các dự án trọng điểm, tỉnh giao trực tiếp cho các Phó chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo và chịu trách nhiệm liên quan giải ngân. Hằng tháng, trong các cuộc giao ban của UBND tỉnh đều nêu rõ kết quả gải ngân, nơi nào thấp thì người có trách nhiệm phải giải trình và chịu trách nhiệm thực hiện. Nhờ đó, Nghệ An là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất nước với trên 57%. Trong tháng 7, tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn đối với các dự án không đạt tỷ lệ giải ngân sang cho dự án có khả năng giải ngân cao hơn, ông Trung cho biết thêm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động do Covid-19, giải ngân đầu tư công không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu người lao động. Do đó, cần nhìn nhận giải ngân vốn đầu tư công là cứu cánh cho đại dịch Covid-19. Các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức được điều này để có quyết tâm chính trị cao hơn nữa mới thúc đẩy giải ngân đầu tư công tốt hơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư; học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa những nơi làm tốt và chưa tốt để sớm khắc phục tồn tại, khuyết điểm trong giải ngân. Đặc biệt, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể về giải ngân đầu tư công và đầu tư xã hội, viết ngắn gọn và báo cáo Chính phủ; định kỳ 2 tuần một lần phải báo cáo Chính phủ về tình hình giải ngân. Từ tháng 8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải tổng hợp, trình Chính phủ để quyết định điều chuyển vốn đối với các dự án chậm giải ngân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý các ách tắc trong giải ngân. Tỉnh phải đôn đốc huyện, huyện đôn đốc xã, Trung ương kiểm tra các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án làm chậm. “Việc giải ngân phải gắn với công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ, có chế tài xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ”, Thủ tướng nêu rõ.

Liên quan giải phóng mặt bằng, Thủ tướng cũng yêu cầu bí thư, phó bí thư trường trực hỗ trợ chủ tịch UBND huyện, xã trong quá trình này; thảo luận, đối thoại và công khai phương án với người dân. “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì mới thuyết phục được dân”, Thủ tướng yêu cầu.

Đan Thanh