Thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Tuyên Quang

Giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn

- Thứ Hai, 31/08/2020, 08:14 - Chia sẻ
Trước bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, để tạo đà tăng tốc cho chặng đường cuối, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân đề nghị: Các đại biểu nâng cao tinh thần trách nhiệm, phân tích thấu đáo toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội, đưa ra được những giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế, xã hội...

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được nhanh chóng tháo gỡ. Đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, đại biểu Vân Đình Thảo cho rằng: UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời điểm này. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trình tự thủ tục để bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hoàn thành xây dựng cầu Tình Húc, tập trung thi công đường dọc hai bên bờ sông Lô và chuẩn bị xây dựng tiếp các cầu vượt sông Lô ở thành phố, Yên Sơn, Hàm Yên... 

Đánh giá cao những nghị quyết về cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh đã trở thành “xương sống” cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, đại biểu Âu Thế Thái và nhiều đại biểu khác cho rằng vẫn còn một số nghị quyết chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Đơn cử, việc thực hiện Nghị quyết số 03 về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2021, đến nay việc cung ứng cây giống cho người dân để trồng rừng vẫn còn chậm trễ.

Hay đối với Nghị quyết số 05 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn, trên thực tế chưa thực sự tạo đột phá do còn vướng nhiều trình tự thủ tục, khiến các hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Các đại biểu đề nghị, các ngành cần sớm đánh giá lại hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết, từ đó đề có những xuất sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế nếu không còn phù hợp.

Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi đó chính là những tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, cần tăng cường tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản trị, quản lý dòng tiền cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động “tăng sức đề kháng” cho chính mình bằng cách cơ cấu lại hoạt động, có giải pháp sản xuất, kinh doanh linh hoạt; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu kép.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Tiếp tục thực hiện hiệu quả an sinh xã hội

Là một tỉnh trung du miền núi đa văn hóa, đa dân tộc nên nhiều đại biểu trong đó có đại biểu Lê Thị Thanh Trà lo lắng trước thực trạng hiện nay nhiều di sản của một số dân tộc trên địa bàn đang bị mai một. Đại biểu đề nghị sự vào cuộc khẩn trương của các cấp, ngành trong bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; chú trọng, phát huy vai trò chủ thể văn hóa; cần nêu cao vai trò của ngành giáo dục và đào tạo trong việc sử dụng tiếng nói, khuyến khích mặc trang phục dân tộc khi đến trường; đẩy mạnh việc gắn kết đầu tư, phát triển du lịch với bảo tồn, xã hội hóa công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc…

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-TU ngày 10.12.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn nhiều hạn chế. Đại biểu Đàm Thị Phương Lan dẫn chứng hiện nay trên toàn tỉnh có 6/7 huyện có tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ chưa đạt theo kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu là do: Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất; công tác tuyên truyền còn hạn chế... Do đó, đại biểu đề nghị việc sắp xếp biên chế giáo viên phù hợp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm trẻ; tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi gửi trẻ.

Về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế và các cơ quan chuyên môn sớm thực hiện quy hoạch, đề án vị trí việc làm cho cán bộ ngành y tế, sớm tổ chức thi tuyển bổ sung đủ đội ngũ cán bộ làm việc và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Bố trí nguồn kinh phí, ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các đơn vị y tế trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế đã xuống cấp…

Khép lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân nhấn mạnh: UBND tỉnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh, chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung cao nhất, với tinh thần quyết tâm, cùng các biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2020. Phải coi phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tối đa năng lực sản xuất, kinh doanh của tất cả các lĩnh vực, các thành phần kinh tế.

Quản lý chặt, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; tập trung quyết liệt giải ngân nguồn vốn đầu tư công; rà soát, tính toán có phương án điều chuyển vốn từ những công trình, dự án còn vướng mắc về thủ tục, chậm tiến độ không có khả năng giải ngân hết vốn, cho những công trình, dự án triển khai nhanh, có khối lượng hoàn thành để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang… Tiếp tục làm tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chủ động bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Bách Hợp