Giá đỡ cho người lao động

- Thứ Ba, 23/06/2020, 06:04 - Chia sẻ
Dịch Covid - 19 đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng, rất nhiều người lao động lâm vào cảnh mất việc làm, không có thu nhập. Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã trở thành "giá đỡ" giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Doanh nghiệp và người lao động gặp khó

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, 5 tháng đầu năm 2020, cả nước đã có trên 5 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tại Việt Nam phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. Có tới gần 86% doanh nghiệp ở Việt Nam bị tác động bởi đại dịch Covid - 19, phải cho nhân viên tạm hoãn hợp đồng, tạm nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên, nhất là những công việc ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Trên 80% lao động trong khu vực phi chính thức phải tạm dừng hoạt động kinh doanh khoảng 1 tháng để thực hiện giãn cách xã hội.

Bảo hiểm thất nghiệp là Phao Cứu Sinh cho người lao động bị mất việc làm.
Nguồn: ITN

Theo kết quả điều tra về lao động việc làm ở Việt Nam (từ đầu năm đến hết tháng 4), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm, chỉ chiếm 75,4% dân số trong độ tuổi lao động. Mặc dù trong tháng 5, số lao động trở lại làm việc đang tăng lên, đã có 70.000 - 80.000 lao động bị mất việc quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, việc làm của nhiều lao động và hoạt động của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu còn đình trệ.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, nếu tình hình dịch tễ diễn biến tích cực, số người mất việc làm hàng tháng sẽ khoảng 70.000 - 80.000 người và chỉ 3 - 3,5 triệu lao động phải ngừng việc, 70 - 75% doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nếu tình hình dịch tễ đi ngang (không xấu, không tốt) thì mỗi tháng vẫn sẽ có 80.000 - 90.000 lao động mất việc, khoảng 80% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và sẽ có 5 - 5,6 triệu lao động bị ngừng việc. Còn nếu tình hình dịch tễ xấu đi, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số mất việc hàng tháng vào khoảng 90.000 - 100.000 người, 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và số lao động bị ngừng việc lên tới 6 - 7,2 triệu người.

Kịp thời hỗ trợ, chi trả chế độ

Trong bối cảnh người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, không ít ý kiến cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ trở thành "giá đỡ" an toàn, có giá trị nhân văn trong hệ thống an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. 

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp là loại bảo hiểm bảo đảm những quyền lợi mà lao động khi tham gia BHXH được hưởng khi mất việc. Người hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn được hưởng cả bảo hiểm y tế và đào tạo nghề trong quãng thời gian người lao động chờ việc mới. Bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa rất thiết thực trong cuộc sống, đặc biệt là trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Đây là chính sách giúp ổn định xã hội, nhằm bảo vệ, bù đắp những tổn thất về mặt tài chính cho người lao động; giúp người lao động có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường làm việc, đồng thời giúp Nhà nước giải quyết những vấn đề xã hội khi thị trường có biến động dẫn tới lao động mất việc. Trong 5 tháng qua, BHXH Việt Nam đã chi trả cho 558.418 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 5.009 tỷ đồng. Trong số này, số hưởng mới là 298.833 người. 

Còn theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tháng 5 năm 2020 (từ ngày 1.5 - 18.5), số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 88.170 người, tăng 201% so với tháng 4.2020 (29.272 người); số quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 45.994 người, tăng 60,3% so với tháng 4 (49.432 người); tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 105.093, tỷ lệ này giảm 41,7% so với tháng 4.2020 (160,9%); số người được hỗ trợ học nghề là 941 người, tăng 321,0% so với tháng 4.2020 (223 người).

Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại và cấp chứng chỉ cho khoảng 1 triệu lao động. Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nếu được Chính phủ thông qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ này không gặp nhiều khó khăn bởi đã có quy định pháp luật hiện hành. Được đào tạo lại sẽ giúp người lao động nâng cao kỹ năng, trình độ nghề và sớm quay lại thị trường lao động.

Dương Cầm