Chính sách và cuộc sống

Gây ô nhiễm phải trả tiền

- Thứ Năm, 23/07/2020, 18:03 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội đầu tuần này có một chính sách tác động lớn đến tất cả người dân.

Cụ thể, dự thảo Luật yêu cầu hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành các nhóm khác nhau và có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác theo khối lượng phát sinh (thay vì “đổ đồng” theo đầu người hoặc theo hộ gia đình như hiện nay). Với chính sách này, nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”- biện pháp kinh tế tác động vào hành vi của các chủ thể theo hướng có lợi cho môi trường mà thế giới áp dụng từ lâu, sẽ được xác lập và thực thi ở nước ta. Theo đó, ai càng xả rác nhiều sẽ phải trả tiền nhiều hơn cho chi phí xử lý rác.

Cách tiếp cận như vậy không chỉ có lợi cho môi trường, cho phát triển kinh tế mà có thể giúp nước ta thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan trong xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay, đó là vừa phải cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý rác thải với chi phí rẻ, vừa phải bảo đảm xử lý rác thải hiệu quả (đồng nghĩa với chi phí cao).

Nhiều năm trở lại đây, lượng chất thải rắn sinh hoạt của nước ta luôn tăng ở mức 2 con số (giai đoạn 2011 - 2015 là 12% mỗi năm). Thống kê cũng cho thấy chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị chiếm đến hơn 50% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước mỗi năm (khoảng 38 nghìn tấn/ngày). Tuy vậy, phí thu gom rác thải tại các đô thị hiện khiêm tốn ở mức 6 nghìn đồng/tháng cho các cá nhân và khoảng 130 - 500 nghìn đồng/tháng cho các hộ kinh doanh. Phần còn lại được hỗ trợ bằng ngân sách địa phương, nhưng nguồn ngân sách phân bổ cho hoạt động này cũng khá giới hạn.

Trong khi đó các công nghệ xử lý rác thải hiện đại, bảo đảm vệ sinh có giá thành cao hơn nhiều so với khả năng chi trả của ngân sách địa phương và đòi hỏi rác phải được phân loại tại nguồn - điều nước ta chưa làm được. Thành thử hầu hết địa phương lựa chọn xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp - rẻ nhất và không cần phân loại. Ước tính khoảng 80 - 85% lượng rác thải thu gom được đem đi chôn lấp, dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường.

Thực tế này cho thấy, để giải quyết được bài toán xử lý rác thải sinh hoạt thì cần xử lý được 2 vấn đề mấu chốt, đó là phải phân loại rác tại nguồn và tăng nguồn tài chính cho hoạt động này. Cả hai nút thắt đều đã được dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tháo gỡ. Điều băn khoăn còn lại là giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác được tính toán và thu như thế nào?

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường quy định, ở đô thị, hộ gia đình, cá nhân phải lưu chứa chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác trong các bao bì, thiết bị chứa bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường do đơn vị có đủ năng lực sản xuất theo đặt hàng của UBND tỉnh hoặc được UBND tỉnh ủy quyền. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý các loại rác thải này sẽ được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa và phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.

Ở đây, rất khó hiểu lý do dự thảo quy định người dân phải đựng rác trong bao bì, thiết bị chứa do đơn vị có đủ năng lực sản xuất “theo đặt hàng của UBND tỉnh” hoặc “được UBND tỉnh ủy quyền”, thay vì tìm một giải pháp khác. Bởi lẽ, đây có thể là kẽ hở làm nảy sinh cơ chế xin - cho trong sản xuất, kinh doanh bao bì, thiết bị chứa rác. Đây cũng có thể là mảnh đất màu mỡ cho những doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp “sân sau” ra đời và khuynh đảo. Không khéo, những chi phí không chính thức cũng được tính vào giá thành bao bì, thiết bị chứa rác thải và rồi trăm dâu lại đổ đầu người dân, làm méo mó một chính sách lập pháp tốt đẹp.

Hà Lan