Bạn đọc viết

Gặp khó trong thi hành phán quyết của trọng tài

- Thứ Ba, 23/06/2020, 06:12 - Chia sẻ
Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến kinh doanh thương mại các bên thường lựa phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài để giải quyết bởi khả năng giải quyết thành công cao,thủ tục trọng tài có tính linh hoạt…Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà phương thức giải quyết này đem lại thì quá trình thi hành quyết định của trọng tài đang gặp khá nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, từ khi luật Trọng tài Thương mại năm 2010 có hiệu lực, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đã thụ lý, giải quyết hơn 1.000 vụ việc. Qua đó, cho thấy việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài đang được các bên ưu tiên lựa chọn bởi cơ chế giải quyết nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện, phù hợp tâm lý của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà phương thức giải quyết bằng trọng tài đem lại thì một thực tế cho thấy trong quá trình thi hành phán quyết, quyết định của trọng tài còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều vụ việc không có tài sản để thi hành; ít áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm thi hành án dẫn đến bên phải thi hành có thời gian tẩu tán tài sản; bên phải thi hành án không đồng ý với phán quyết, quyết định của trọng tài; doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài nên việc thực hiện ủy thác gặp nhiều khó khăn…

Bên cạnh đó, việc quy định không thống nhất về thời hiệu thi hành quyết định của trọng tài có thể dẫn đến việc các bên khó áp dụng vào thực tiễn. Cụ thể, theo Khoản 5, Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định, phán quyết của trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 66 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 lại quy định đối với phán quyết của trọng tài vụ việc, bên được thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và thời hạn đăng ký là 1 năm kể từ ngày ban hành phán quyết. Vấn đề đặt ra là thời hiệu thi hành án được tính từ thời điểm kể từ ngày có phán quyết trọng tài hay từ khi khi phán quyết đố được đăng ký tại Tòa án?

Ngoài ra, hiện nay các Trung tâm trọng tài thường tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Điều 8, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 lại quy định cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết. Theo quy định, khi bên được thi hành án muốn đơn yêu cầu thi hành án sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi không có trụ sở tại hai thành phố nói trên. Điều đáng nói, sau khi có đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài thì cơ quan thi hành án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết có thế phải ủy thác thác đến nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở theo quy định tại Điều 55, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014. Vì vậy, dẫn đến thời gian thi hành án bị kéo dài và có thể sẽ gây thiệt hại nặng nề cho bên được thi hành án đối với những vụ việc có giá trị lớn.

Thiết nghĩ, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nói trên cần phải quy định cụ thể hơn về thời hiệu thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm trọng tài và cơ quan thi hành án dân sự để bảo đảm quá trình thi hành án đạt kết quả cao, nâng cao chất lượng phán quyết trọng tài.

Nguyễn Ngân