FDI năm 2010 - “sóng thần” Hà Lan

- Thứ Bảy, 18/12/2010, 00:00 - Chia sẻ
Năm 2010, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã chứng kiến những sự chuyển hướng đáng chú ý: tiến trình giải ngân tiếp tục tăng trong khi đăng ký giảm mạnh; lĩnh vực lưu trú, ăn uống và bất động sản lùi bước, nhường chỗ cho chế biến - chế tạo. Và một điều ngạc nhiên là Hà Lan trở thành nhà đầu tư đăng ký vốn lớn nhất thay cho các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

02-FDI-35210-300.jpg

Hà Lan dẫn đầu

Theo thống kê, năm 2010, Hà Lan là nước có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với số dự án cấp mới là 7, vốn đăng ký cấp mới là 2.220,2 triệu USD, số lượt dự án tăng vốn là 4, vốn đăng ký tăng thêm là 6,7 triệu USD. Như vậy, cả vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2.226,9 triệu USD. Đứng thứ hai trong danh sách là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư là 2.141,7 triệu USD; Mỹ 1.924,2 triệu USD, Nhật Bản 1.602,9 triệu USD.

Phân tích những con số này, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ KH-ĐT, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (CFIS) Phan Hữu Thắng cho rằng, đó là hiện tượng “sóng thần” trăm năm chỉ có 1 lần. Sở dĩ số vốn đăng ký của Hà Lan vào Việt Nam hai năm qua tăng là do 2 dự án lớn là Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II tại Quảng Ninh; dự án xây dựng chuỗi siêu thị Promenade tại Bình Dương và một số tỉnh phía Nam. Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II là quá trình đàm phán của chúng ta trong suốt nhiều năm qua và 2010 là năm kết thúc. Trong đó, phần vốn của của nhà đầu tư tổ chức ASE đăng ký ở Hà Lan chiếm tới 90% trong tổng số 2,1 tỉ USD cho dự án (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN góp phần còn lại 10%); vì vậy, đã đưa vốn đăng ký của Hà Lan tăng lên. Đó chỉ là hiện tượng, còn đầu tư giữa Hà Lan vào Việt Nam thì vẫn còn những khoảng cách nhất định. Và từ năm 1988 tới nay, các nhà đầu tư lớn cho Việt Nam vẫn là các nền kinh tế lớn Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Lo ngại khoảng cách

Khoảng cách được đề cập ở đây là giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện. Nhìn vào con số thì có thể thấy năm 2010, cả vốn đăng ký và vốn thực hiện đều tăng. Trong 10 tháng năm 2010, con số (làm tròn) vốn FDI là khoảng 20 tỉ USD, thì chỉ khoảng 9 tỉ USD thực hiện và hơn 11 tỉ USD đăng ký. Vốn đăng ký sẽ giúp chúng ta xác định xu hướng đầu tư vào từng ngành nghề trong từng giai đoạn mà các nhà đầu tư quan tâm tới thị trường Việt Nam; và giúp chúng ta có lượng vốn gối đầu cho các năm sau, cho nên những mặt tích cực đó cho thấy vốn đăng ký đó cũng rất quan trọng, song nó không phải là thành tích. Vấn đề là các địa phương phải đẩy thật nhanh vốn thực hiện để rút ngắn khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện. Bởi chỉ khoảng 5 năm sau thì chúng ta sẽ có khoảng 145 tỉ USD vốn thực hiện và khoảng 320 tỉ USD vốn đăng ký. “Vì vậy, chúng ta phải tập trung để tăng số vốn thực hiện trong 5 năm tới mà khởi đầu là năm 2011 này” - ông Thắng nhấn mạnh.
Nhưng điều cản trở trong giải ngân vốn FDI hiện này một phần bắt nguồn từ thủ tục hành chính. Thời gian qua, đã có nhiều dự án được cấp phép nhưng phải mất tới 2 - 3 năm, thặm chí 5 năm và lâu hơn nữa mới bắt đầu triển khai được. Như nhiệåt điện Mông Dương II, từ khảo sát tới đánh giá dự án, tới tiền khả thi và dự án khả thi cũng mất ít nhất 5 năm. “Trong đó, một phần là do thủ tục hành chính của chúng ta chứ chưa nói tới các nguyên nhân khác. Ở nhiều dự án khác, thủ tục thực hiện còn khá nặng nề dẫn tới dự án bị chậm tiến độ triển khai. Chính vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo việc tập trung cải cách thủ tục hành chính để đơn giản hóa thủ tục trong thời gian tới”, ông Thắng nói.

FDI năm 2011 sẽ thế nào?

Với khá nhiều yếu kém bộc lộ trong thời gian qua như thiếu điện, cơ sở hạ tầng dịch vụ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, cấp phép một số dự án vẫn còn kéo dài… Những nguyên nhân này, có thể khiến một số đối tác đặt lại vấn đề khi đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, phải gỡ được một số nút thắt như nêu trên, nếu không khả năng thu hút đầu tư nước ngoài sẽ giảm trong năm 2011.

Bởi như lý giải của các chuyên gia, một số đối tác đầu tư truyền thống của Việt Nam như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, EU… gần đây đã kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn đầu tư ra bên ngoài khi bản thân các nền kinh tế này cũng đang chậm phục hồi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, về cơ bản FDI vẫn tốt vì đến giai đoạn này, Chính phủ đã chú trọng hơn đến giải ngân để khắc phục tình trạng vốn đăng ký và giải ngân cách biệt quá lớn.

Về dự báo vốn FDI thực hiện năm 2011, theo Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (CFIS) sẽ tăng không nhiều so với năm 2010, khoảng 11 - 12 tỷ USD. Với giai đoạn 1010 - 2015, thu hút vốn FDI có thể đạt 150 tỷ USD với 50% trong số đó là vốn thực hiện.

Nguyễn Dương