Dưỡng nguồn thu dài lâu

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 00:38 - Chia sẻ
Ngay trong phiên họp đầu tiên của đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội sáng qua, Quốc hội đã quyết định bổ sung dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Đây là một trong những chính sách thiết thực thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với "trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người". Cũng theo dự thảo Nghị quyết, doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Ước tính, chính sách này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.840 tỷ đồng. 

Chính phủ cho rằng, việc đề xuất tỷ lệ và đối tượng thụ hưởng chính sách như trên - thay vì toàn bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ - là nhằm phát huy hiệu quả của chính sách, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Bởi doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp nước ta. Nếu áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% đối với toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp trong cả nước đều được giảm thuế. Và như vậy, chính sách sẽ không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển nữa, trong khi đó, lại có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng khi doanh nghiệp quy mô vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp quy mô nhỏ về vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...

Tất nhiên, nguy cơ cạnh tranh không bình đẳng chỉ là một khía cạnh phải cân nhắc khi Chính phủ đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi dịch Covid-19 ào đến bất ngờ đã khiến cho doanh nghiệp - dù quy mô lớn hay nhỏ, hay siêu nhỏ - đều rơi vào tình trạng điêu đứng và đều cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Lựa chọn đối tượng các doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở phạm vi như đề xuất của Chính phủ còn là bởi phải xét đến khả năng cân đối của ngân sách nhà nước - hiện cũng đang phải chắt chiu từng đồng khi các nguồn thu chủ yếu đều đang gặp khó khăn do tác động của đại dịch toàn cầu.

Rạch ròi như thế để thấy rằng, việc quyết định chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dù hết sức cần thiết nhưng cũng không đơn giản khi đặt trong bài toán cân đối ngân sách bởi đây chỉ là một trong nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội... đã được Nhà nước ban hành trong mấy tháng qua. Nhưng cũng chính bởi quyết định không đơn giản nên càng đòi hỏi việc triển khai thực thi chính sách phải minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, không để tái diễn tình trạng “chỉ miễn, giảm trên... tivi” như phản ánh của doanh nghiệp và người dân đối với nhiều chính sách vừa qua.

Cũng cần nói thêm rằng, 15.840 tỷ đồng nếu chia bình quân cho hơn 700 nghìn doanh nghiệp thuộc diện được thụ hưởng chính sách thì số tiền thuế giảm thực tế với mỗi doanh nghiệp không lớn và chắc chắn còn rất xa so với mong đợi của doanh nghiệp. Các chính sách này cũng chỉ có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong ngắn hạn, trước mắt. Về lâu dài, để doanh nghiệp có thể vượt qua được những khó khăn hiện tại, tích tụ vốn, phát triển sản xuất kinh doanh và quay trở lại đóng góp cho ngân sách nhà nước trong thời gian tới như kỳ vọng của Chính phủ thì hơn cả tiền - điều quan trọng nhất chính là sự thông thoáng, minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là sự công bằng, liêm chính của đội ngũ cán bộ tham mưu xây dựng chính sách và trực tiếp thực thi chính sách.

Khi những chính sách “trên trời” khiến doanh nghiệp, người dân phải ngán ngẩm mong “cán bộ cứ... ngồi yên cho dân được nhờ” vẫn cứ được đề xuất như ở một số bộ, ngành vừa qua thì làm sao doanh nghiệp có thể phát triển được? Khi “virus trì trệ” mà người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra và đã quyết liệt yêu cầu phải chấn chỉnh, đẩy lùi từ nhiều tháng trước nhưng nhiều cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương vẫn “bình chân như vại” trước sự sốt ruột, chờ mong của các doanh nghiệp thì làm thế nào để doanh nghiệp có đủ niềm tin, động lực bắt tay vào tái khởi động các kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh?

Nuôi dưỡng nguồn thu thực sự và bền lâu không thể chỉ trông đợi ở việc giảm thuế. “Dưỡng chất” quan trọng nhất nằm ở chính bộ máy quản lý nhà nước, ở từng cán bộ thực thi công vụ biết đặt lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và người dân lên trên lợi ích cục bộ, cá nhân.

Lam Anh