Góc nhìn

Đúng thị trường, đúng thời điểm

- Thứ Tư, 27/05/2020, 05:56 - Chia sẻ
Nước ta đang vào mùa vụ thu hoạch nhiều loại trái cây, nông sản, thực phẩm; nếu như việc xuất khẩu sang các thị trường khác gặp khó khăn thì thị trường Trung Quốc lại có triển vọng hơn cả do nhu cầu tiêu dùng lớn sau dịch, chi phí vận tải thấp. 21 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và đồ uống đang tìm cơ hội xuất khẩu nông sản sang Vân Nam - Trung Quốc thông qua hội nghị giao thương trực tuyến về nông sản, thực phẩm giữa hai nước.

Việc xuất khẩu đối với những thị trường chính yếu, quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu… đều chững lại bởi ngay cả khi Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh thì vẫn bị ảnh hưởng bởi còn nhiều quốc gia khác chưa đẩy lùi được dịch bệnh. Trong khi đó, tại Trung Quốc, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã dần thông thương trở lại. Từ tháng 2 tới nay, trên 60.000 xe nông sản được thông quan xuất sang thị trường này, đặc biệt từ 1.5 hầu hết các cửa khẩu phụ tại các tỉnh phía Bắc có biên giới giáp với Trung Quốc đã được mở lại hoạt động bình thường. Trung Quốc cũng giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm (trong tổng số trên 800 mặt hàng) để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước. Quốc gia tỷ dân này đang có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông sản để bù đắp thiếu hụt thị trường do sản xuất bị ngưng trệ.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng nhận định, thị trường Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Do đó, cần huy động mọi nguồn lực (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân) để tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này. Trong đó, khu vực Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến có xu hướng tiêu dùng những sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao, chú trọng tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; khu vực Thái Hưng, Trường Hưng, Giang Tô, các vùng gần biên giới Việt Nam… ưa chuộng các sản phẩm có mức giá vừa phải.

Thực tế, 4 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc là thị trường chiếm thị phần lớn nhất trong xuất khẩu nông lâm thủy sản (23,4%), đạt gần 2,8 tỷ USD, dù giảm 17,7% so với cùng kỳ. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản sau dịch Covid-19, Việt Nam cần tiếp tục hướng vào thị trường tầm trung và phân khúc thấp của Trung Quốc nhằm thích ứng phát triển. Vì dù ở góc độ nào thì quốc gia tỷ dân này vẫn là thị trường rất lớn, một tác nhân quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nên chuyển hình thức tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch và vận chuyển bằng đường sắt để tránh rủi ro.

Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 42 tỷ USD. Để đạt con số kỳ vọng đưa ra, các bộ, ngành liên quan, các địa phương và doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Bên cạnh Trung Quốc, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần hướng tới những thị trường tiềm năng gần như các nước ASEAN. Cơ quan chức năng nên cung cấp thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản đáp ứng tiêu chuẩn của nhiều thị trường, sẵn sàng xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát.

Vụ vải thiều năm nay, huyện Thanh Hà, Hải Dương lần đầu tiên xuất khẩu sang Singapore là một ví dụ điển hình về việc tìm hướng thay đổi thị trường, mở ra hướng đi mới khi thị trường cũ gặp bế tắc. Đồng thời còn giúp đa dạng hóa thị trường, giúp người nông dân tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, nâng cao thu nhập... Việc quan trọng không kém là phải phán đoán được thời điểm nước nhập khẩu hết dịch để tăng tốc sản xuất, cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… Rõ ràng, mục tiêu trong nông nghiệp bây giờ không chỉ là vụ mùa bội thu mà còn là phải tính toán để bán hàng đúng thời điểm, đúng nơi để có được giá bán tốt nhất, người nông dân có lợi nhất.

Chi An