“Đừng quá quan tâm tăng trưởng cao hay thấp”

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 08:17 - Chia sẻ
2020 là giai đoạn đặc biệt của cả thế giới, trong đó có Việt Nam, nếu đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo cách thông thường sẽ không logic. Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lúc này “đừng quá quan tâm tăng trưởng cao hay thấp, đừng quá đặt nặng cân đối thu chi ngân sách” mà quan trọng là “bảo tồn được lực lượng doanh nghiệp đang chịu tổn hại nặng nề vì dịch bệnh”. Doanh nghiệp “chết” thì những năm tới chúng ta càng khó khăn hơn.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ ý kiến của mình trong Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế diễn ra ngày 25.9 với sự góp mặt của rất nhiều chuyên gia kinh tế. “Phiên họp có ý nghĩa quan trọng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, bởi sẽ giúp Ủy ban hoàn thiện 3 báo cáo đánh giá về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10 tới.

“Cần đánh giá thực chất các chỉ tiêu”

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ Đại suy thoái 1929 - 1933. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đã trải qua 2 đợt dịch ở một số địa phương với những tác động mạnh đến tình hình kinh tế, xã hội đất nước. Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng; sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhất là trong một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, vận tải, du lịch…; hàng triệu lao động mất việc làm, thiếu việc làm, thu nhập giảm sâu. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, lũ lụt, sạt lở, giông lốc các tỉnh miền núi phía Bắc; nắng nóng, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại khá lớn; dịch tả lợn châu Phi mặc dù đã được khống chế nhưng vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống.

Trước bối cảnh rất khó khăn, Chính phủ quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trọng tâm điều hành của Chính phủ là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển.

Vào thời điểm hiện tại, Chính phủ dự kiến sẽ đạt và vượt 8/12 mục tiêu Quốc hội giao trong năm 2020. Bốn chỉ tiêu ước không đạt gồm: Tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3% (mục tiêu 6,8%); tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1% (mục tiêu khoảng 7%); tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị 4,39% (mục tiêu dưới 4%); và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5% (mục tiêu 65%), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24,5% (mục tiêu 25%).

“Cuối năm rồi, cần đánh giá thực chất các chỉ tiêu”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh nói. Ví dụ, tuy tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch nhưng tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu lại là chỉ tiêu duy nhất vượt kế hoạch (ước thực hiện 2,6%, mục tiêu dưới 3%). “Cần phân tích chi tiết vượt như vậy có đáng phấn khởi không hay là vấn đề đáng lo ngại”. Một ví dụ khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay sẽ đạt mục tiêu 4%, nhưng hết tháng 8 CPI đã tăng 3,96%, trong khi giá cả có “truyền thống” tăng vào cuối năm, chưa kể Covid-19 có thể quay lại. “Vậy chỉ tiêu này liệu có đạt được không? Phải phân tích và đánh giá có cơ sở mới dự đoán sát tình hình và ứng phó kịp thời”.

Tương tự, chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP ước thực hiện 33,6% dù đạt mục tiêu vẫn khiến Phó Chủ nhiệm Trần Văn Minh “lo ngại”. Bởi, “đầu tư công hiện chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Kết thúc tháng 8, giải ngân đầu tư công mới đạt 47%. Khó khăn nào đang đặt ra với số vốn còn lại? Giải pháp thúc đẩy là gì và nếu thực hiện thì giải ngân có thể đạt bao nhiêu phần trăm?”.

Đặc biệt, nhắc đến 4 chỉ tiêu số giường bệnh trên một vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; và tỷ lệ che phủ rừng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường “thành thật mà nói” năm nào ông cũng thấy báo cáo “kết quả thực hiện bằng đúng mục tiêu”. “Không phải không có nghi ngại ở đây, vì cứ đặt ra là đạt, không tăng không giảm”, ông nói. 

Nguồn: ITN

Nên có giải pháp mạnh để bảo tồn doanh nghiệp

Không chỉ quan tâm đến chất lượng các chỉ tiêu, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tăng trưởng 2% đã là “rất thành công” và 2020 là giai đoạn đặc biệt của cả thế giới, trong đó có Việt Nam, vì vậy đòi hỏi tư duy mới trong đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lúc này “đừng quá quan tâm tăng trưởng cao hay thấp, đừng quá đặt nặng cân đối thu chi ngân sách” mà quan trọng là “bảo tồn được lực lượng doanh nghiệp đang chịu tổn hại nặng nề vì dịch bệnh”. Doanh nghiệp “chết” thì những năm tới chúng ta càng khó khăn hơn, “nên cần có giải pháp mạnh như miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn thay vì chỉ giãn và hoãn vì đằng nào họ cũng phải nộp”.

Đồng tình với Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng “câu chuyện của năm 2020 cần bàn tách ra để có đánh giá đúng hơn”. Mục tiêu lớn trong năm nay chính là phòng chống dịch bệnh và giúp doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh. Theo đó, thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép được cả thế giới ghi nhận. Về các chính sách hỗ trợ, tính toán của ông Lực cho thấy, giá trị thực mà ngân sách cuối cùng Việt Nam bỏ ra để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 tương đương 3% GDP (gồm cả hỗ trợ của hệ thống các tổ chức tín dụng). Tuy nhiên, chúng ta mới thực hiện được 25 - 30% số đó, phần còn lại làm như thế nào - đây phải là trọng tâm từ nay tới cuối năm và cả năm 2021.

Trả lời câu hỏi “nên có gói hỗ trợ đợt 2 không?” của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, ông Cấn Văn Lực cho rằng, rất cần thiết vì không biết lúc nào dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam lại đi sau về vaccine, may ra 2021 mới có. Trong khi đó, sức chịu đựng của doanh nghiệp đã tới hạn. 8 tháng năm 2020, số doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh tăng 71%. “Quy mô gói hỗ trợ lần 2 nên tương đương 2 - 2,5% GDP, thời hạn hết 2021. Lúc ấy thâm hụt ngân sách lên 5% GDP nhưng ta phải chấp nhận, cả thế giới thâm hụt ngân sách tăng 3 - 4 lần”, ông bày tỏ quan điểm.

Đề cập tới năm 2021, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế, nhiều ý kiến tìm kiếm động lực tăng trưởng mới để tăng trưởng GDP có thể đạt 6 - 6,5% như dự kiến bước đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, “chính đại dịch tạo cho chúng ta cơ hội phát triển thương mại điện tử và nông nghiệp, điều này cần có đánh giá để định hướng cho sự chuyển đổi”. Cùng quan điểm này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nhận thấy “Covid rất hay ở chỗ giúp ta nhìn ra nhiều vấn đề, đặc biệt có những con đường để đuổi kịp các nước. Ví như chúng ta rùng rùng chuyển đổi số, quy mô thị trường lớn, dân số đông, tiếp cận công nghệ nhanh - đây là cơ hội vàng để bắt kịp, vượt một số quốc gia trong khu vực”.

Hà Lan