Góc nhìn

Đừng mãi chạy theo

- Thứ Hai, 01/06/2020, 07:19 - Chia sẻ
Từ năm 2017 đến hết 2019 đã phát hiện nhiều sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý, sử dụng biên chế, bổ nhiệm cấp phó vượt quá quy định... Các sai phạm bị xử lý bằng hình thức thu hồi, hủy bỏ các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức không đúng quy định tại một số bộ, ngành, địa phương. Trong đó, 252 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng, 271 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm… Đây là con số được nêu trong báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ Nội vụ từ Kỳ họp thứ Hai đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV.

Những vi phạm trong công tác cán bộ mà Bộ Nội vụ chỉ ra không mới. Câu chuyện “cả họ làm quan” hay mô hình được ví như “tháp ngược” về công tác cán bộ khi một sở chỉ có 2 nhân viên mà có tới 44 lãnh đạo đã từng gây bức xúc dư luận là những biểu hiện vi phạm trong công tác cán bộ. Điều này cho thấy, dù đã có quy định chặt chẽ nhưng công tác cán bộ của chúng ta có lúc bị buông lỏng, thiếu cơ chế kiểm tra, thanh tra để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những vi phạm. Chỉ khi dư luận, báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng vào cuộc thì các cơ quan, đơn vị mới nhìn ra được cái sai của mình.

Qua thanh tra của Bộ Nội vụ thì các bộ, ngành, địa phương đã nhận thấy sai sót và tự khắc phục. Theo đó, 133 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng theo chính sách thu hút của các bộ, ngành, địa phương; 7 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm, 45 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận, 8 trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Bộ Nội vụ cũng đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tự xử lý các sai phạm, cụ thể: thu hồi quyết định tuyển dụng theo chính sách thu hút đối với 59 trường hợp, thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm đối với 27 trường hợp, thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận đối với 87 trường hợp, thu hồi, hủy bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp đối với 2 trường hợp, xếp lại ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đối với 7 trường hợp…

Sai thì phải sửa. Bổ nhiệm, tuyển dụng, điều chuyển không đúng quy định thì phải hủy bỏ là điều đương nhiên, nhưng hậu quả của các quyết định sai này để lại không hề nhỏ. Việc bổ nhiệm thiếu chuẩn sẽ dẫn đến ngồi “nhầm” vị trí. Người được bổ nhiệm bị “quá sức” so với năng lực của mình. Trong khi đó, nhiều người đủ năng lực, trình độ lại mất đi cơ hội để đảm nhiệm vị trí quản lý. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Những vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ có thể do cán bộ làm công tác này chưa “đủ tầm”. Nhưng cũng không loại trừ do sự cố ý của những người làm công tác tham mưu, ra quyết định này. Quy trình cán bộ phải tuân thủ qua nhiều khâu, nhiều bước nhưng vẫn lọt cán bộ thiếu chuẩn. Bổ nhiệm, tuyển dụng ồ ạt theo kiểu “hoàng hôn nhiệm kỳ” - một cách ví von buồn trong công tác cán bộ. Câu hỏi đặt ra là, việc bổ nhiệm thiếu chuẩn ấy có phải là do mối quan hệ “con ông cháu cha” hay không, hay do lợi ích cá nhân chi phối?

Để xảy ra các vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, thời gian qua không ít người đã bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 955 trường hợp bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm; 967 trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý khác. Xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm trong tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ là việc cần phải làm để tăng tính giáo dục, răn đe. Đó cũng là giải pháp nhằm tạo cơ chế bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người nếu như bảo đảm tiêu chuẩn cho vị trí cần tuyển dụng hay bổ nhiệm.

Thu hồi quyết định vi phạm là cần thiết nhưng đó chỉ là giải pháp khắc phục khi việc đã rồi. Điều cử tri và nhân dân luôn mong muốn, đừng để mãi tình trạng chạy theo để sửa sai. Muốn làm được điều này, cần có giải pháp căn cơ, đó là tăng cường sự giám sát, thanh tra, kiểm tra, trong đó có cơ chế kiểm tra nội bộ hiệu quả để ngăn chặn xảy ra các vi phạm. Đặc biệt, xử lý nghiêm đối với cán bộ tham mưu, người ra quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng quy định. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng bổ nhiệm ồ ạt trước khi “hạ cánh” hay vì lợi ích cá nhân, phe cánh nào đó.

Hà An