Đừng để nợ chính sách

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 22:09 - Chia sẻ
Chiều nay (8.6), Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là chương trình rất nhân văn, có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Chương trình hướng tới mục tiêu, đến năm 2025 thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi so với bình quân chung của cả nước; bảo đảm an sinh xã hội; phấn đấu đến năm 2030 tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên tối thiểu bằng 1/2 bình quân chung của cả nước, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Có thể nói, đây là những mục tiêu rất lý tưởng. Đồng bào vùng DTTS, miền núi có lẽ cũng sẽ rất vui nếu như mục tiêu này trở thành hiện thực. Để triển khai Chương trình, Chính phủ đưa ra 10 dự án thành phần với tổng mức vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu 137.664,95 tỷ đồng. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến 134.270,70 tỷ đồng. Mức đầu tư này liệu có bảo đảm để hiện thực hóa mục tiêu mà Chương trình đề ra hay không?

Dưới góc độ của cơ quan thẩm tra, Hội đồng Dân tộc cho rằng, xuất phát từ thực trạng đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS hiện nay, để đạt mục tiêu, nhiệm vụ tại Kết luận số 65 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 thì tổng nguồn vốn đề xuất mà Chính phủ dự kiến chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra và thấp hơn nhiều so với khái toán ban đầu trong Đề án tổng thể do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám (335.421,367 tỷ đồng), chỉ đạt 41,04% so với khái toán ban đầu, trong khi mục tiêu không thay đổi.

Việc giảm nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình so với ban đầu có thể do Chính phủ đã “lựa cơm gắp mắm” và nhằm bảo đảm tính khả thi của chính sách. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ việc giảm nguồn vốn liệu có bảo đảm thực hiện được yêu cầu Nghị quyết số 88 của Quốc hội, cũng như hiện thực hóa được các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra hay không?

Thời gian qua, vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, đây vẫn là “vùng 5 nhất”: Khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Để xóa bỏ được “5 nhất” đòi hỏi cần có chính sách đầu tư thỏa đáng đối với vùng đặc thù này.

Thời gian qua, không ít chính sách dân tộc dù rất hay, rất nhân văn, nhưng sau nhiều năm đồng bào vẫn mỏi mòn chờ đợi vì chính sách bị “treo” do thiếu nguồn lực thực hiện. Tồn tại này không mới, nhiều ĐBQH đã lên tiếng từ nhiều kỳ họp, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng từng chỉ rõ: Chúng ta ban hành nhiều chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhưng việc bảo đảm nguồn lực chưa đạt yêu cầu, còn tình trạng cấp vốn thấp, cấp chậm. Thậm chí, có chính sách sau 2 năm ban hành nhưng chưa được bố trí kinh phí để triển khai thực hiện. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện chính sách dân tộc và niềm tin của người dân.

Câu chuyện “tiền đâu” là điều cần phải tính toán kỹ lưỡng. Muốn vậy, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, rất cần cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội khác. Và cần tính toán đến việc tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm khi thực hiện Chương trình, bởi như lo lắng của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải, “nếu không huy động các nguồn lực khác và đề ra quá nhiều mục tiêu sẽ tản mạn, dẫn đến nợ chính sách”.

Chính sách chỉ khả thi khi có nguồn lực để thực hiện. Khi nguồn lực có hạn thì đầu tư không thể “rải mành mành”. Mong rằng, các ĐBQH sẽ phân tích và có những đề xuất cụ thể để các chính sách cho đồng bào bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng chính sách rất “đẹp”, rất nhân văn, nhưng chỉ nằm trên giấy.

 

 

 

 

 

Hà An