Đừng để “nhờn” luật

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:36 - Chia sẻ
Phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành mà người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND. Đây là thực trạng được Ủy ban Tư pháp chỉ ra trong báo cáo thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án trong Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với những bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, việc cá nhân, cơ quan không chịu thi hành án liệu có bảo đảm tính tôn nghiêm của pháp luật hay không?

Đánh giá về công tác thi hành án hành chính, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc thi hành Luật Tố tụng hành chính; có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính. Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, tỷ lệ thi hành án hành chính vẫn đạt thấp (đạt 34%). Số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019. Nếu như số việc chưa thi hành xong trong 10 tháng năm 2019 là 336 việc, thì trong 10 tháng năm 2020 số việc chưa thi hành xong là 472 việc.

Có một điều rất đáng lưu ý đó là phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành mà người phải thi hành án lại là UBND, Chủ tịch UBND. Trong tổng số 472 bản án hành chính chưa thi hành xong thì có tới 451 bản án người phải thi hành là Chủ tịch UBND. Việc còn nhiều trường hợp các cơ quan, tổ chức không tự nguyện thi hành án, dẫn đến việc Tòa án phải ra 121 quyết định buộc thi hành; cơ quan thi hành án dân sự ban hành 38 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp vi phạm nghĩa vụ thi hành án nhưng đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý theo quy định.

 “Chây ỳ” thi hành án hành chính không phải là vấn đề mới. Trong nhiều phiên họp của Ủy ban Tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời, cần có biện pháp bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã từng nhấn mạnh, Chính phủ cần có báo cáo cụ thể xem chủ tịch UBND tỉnh nào, huyện nào chưa thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực để đại biểu Quốc hội biết và giám sát.

Trong các vụ án hành chính, các đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước. Đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Về nguyên tắc, bản án đã có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan, cá nhân có nghĩa vụ phải thi hành. Cơ quan, cá nhân cố tình không thi hành các bản án hành chính cho thấy, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ pháp luật còn chưa nghiêm, thể hiện sự coi thường pháp luật, tạo tiền lệ xấu, sự bức xúc trong nhân dân.

Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án đã quy định rõ, người không thi hành bản án, quyết định của tòa án, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo các hình thức: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức và buộc thôi việc.

Quy định là vậy, nhưng cho đến thời điểm này, chưa có ai bị xử lý trách nhiệm vì không thi hành bản án hành chính. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chây ỳ thi hành án hành chính kéo dài năm này qua năm khác.

Để chấm dứt tình trạng này, cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân không tuân thủ quy định pháp luật. Muốn vậy, cần phải xác định rõ địa chỉ, cơ quan cá nhân nào không thi hành, để có chế tài tương xứng. Không thể nhờn luật. Như Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong báo cáo của Chính phủ phải chỉ rõ địa chỉ, cơ quan nào, tỉnh nào, ai là người không chấp hành bản án, như vậy thì mới có tác động răn đe.

Lê Hùng