Trò chuyện đầu tuần

Đưa ra khỏi quy hoạch những cá nhân suy thoái, tham nhũng

- Thứ Hai, 14/10/2019, 08:12 - Chia sẻ
Hội nghị Trung ương 11 Khóa XII vừa bế mạc với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc tiếp tục xem xét kỷ luật một số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đối với công tác cán bộ, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, những cá nhân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lệch lạc, tham nhũng, tiêu cực… phải được xem xét kỹ lưỡng, đưa ngay ra khỏi quy hoạch cho nhiệm kỳ mới.

Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã được đặt ra từ rất sớm, đặc biệt, tại Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã nhấn mạnh về nội dung này. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” để kiểm soát chặt chẽ. Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là cái “lồng” cơ chế để “nhốt” và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Tất nhiên, dù mới dừng ở những hiện tượng riêng lẻ, song việc cán bộ lãnh đạo lợi dụng quyền lực, dùng quyền lực để thao túng trước đây đã được xử lý nghiêm khắc. Điển hình là năm 1988, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Hà Trọng Hòa, do có nhiều sai phạm nghiêm trọng, độc đoán, chuyên quyền, nên Bộ Chính trị đã quyết định cách chức Bí thư Tỉnh ủy, đưa ra khỏi Trung ương.

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương
Lê Quang Thưởng

Gợi mở nhiều vấn đề mới, cốt lõi trong lãnh đạo, chỉ đạo

- Hội nghị Trung ương 11 Khóa XII đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc sớm hơn kế hoạch đề ra, dù thực hiện nhiều công việc quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về kết quả hội nghị này?

- Hội nghị lần này hoàn thành chương trình làm việc sớm hơn kế hoạch một ngày, nhưng bảo đảm tốt các mục tiêu, nội dung, yêu cầu đặt ra. Trong đó, kết quả ấn tượng và quan trọng nhất là Trung ương đã thảo luận, bổ sung và hoàn thiện toàn bộ các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Qua phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, có thể thấy các dự thảo văn kiện đến thời điểm hiện tại đều bảo đảm tiến trình, tiến độ, công phu, chất lượng tốt, bố cục phù hợp, khoa học; gợi mở được nhiều vấn đề mới, lớn, cốt lõi của công tác lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới. Đồng thời, cho thấy tính bao quát, bao trùm cả về tầm nhìn, tư duy lãnh đạo, tính dự báo xuyên suốt trong giải quyết những vấn đề cụ thể đặt ra trên từng lĩnh vực: Xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

Có thể thấy, đây là kết quả xứng đáng từ sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Bộ Chính trị đối với các tiểu ban, trên cơ sở quán triệt kết luận của Hội nghị Trung ương 10 về việc xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là thành quả của trí tuệ trách nhiệm, tâm huyết và sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị trước nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Đảng và đất nước.

- Theo kế hoạch chuẩn bị tiến hành Đại hội XIII của Đảng, sau khi được Trung ương xem xét, cho ý kiến hoàn thiện một bước, các dự thảo văn kiện sẽ được gửi đến đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến, sau đó xin ý kiến rộng rãi trong toàn dân. Theo ông, cần chú ý những yếu tố nào khi lấy ý kiến đảng viên, nhân dân để có thể hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện trình Đại hội?

- Trong thời gian tới, từng cán bộ, đảng viên cần dành thời gian, công sức để nghiên cứu, cho ý kiến với dự thảo văn kiện trình ra Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh sự chủ động của mỗi cá nhân, tôi cho rằng, sắp tới, từng cấp ủy cần sớm ban hành chủ trương, giải pháp huy động trí tuệ của toàn Đảng và toàn dân tham gia xây dựng dự thảo văn kiện. Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội phải thật sự nghiêm túc, trách nhiệm cung cấp thực tiễn, đóng góp lý luận về các vấn đề, lĩnh vực liên quan, nhất là cung cấp thông tin về kết quả và kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở các cấp.

Ngoài ra, hệ thống cơ quan báo chí trong nước cần ưu tiên dung lượng tuyên truyền sâu đậm về nội dung các dự thảo văn kiện Trung ương, mở chuyên trang, chuyên mục và đăng tải những góp ý tâm huyết của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII...

Phải có hệ thống theo dõi cán bộ

- Tại Hội nghị này, đối với việc thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, kỷ luật 7 tổ chức đảng kể từ đầu nhiệm kỳ Khóa XII đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác”. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Như chúng ta đã biết, tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Khóa X, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc kỷ luật hai cán bộ này, cũng như 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý kể từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay là điều không ai mong muốn. Nhưng cũng phải thấy, đây là kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được thực hiện nghiêm túc trong thời gian qua. Như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, bất cứ trường hợp nào vi phạm đều bị kỷ luật nghiêm, qua đó giúp giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân. Nhưng đó cũng là bài học đau xót cho chúng ta.

- Trước bài học đắt giá, sâu sắc này, cần chú ý triển khai những việc nào khi tiến hành chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp, cũng như Đại hội XIII của Đảng sắp tới, thưa ông?

- Từ những cán bộ cụ thể bị kỷ luật Đảng, thậm chí có trường hợp bị xử lý hình sự vừa qua, khi lựa chọn nhân sự cho đại hội đảng các cấp, cũng như Đại hội XIII của Đảng cần cẩn trọng, để có thể lựa chọn những người thực sự liêm chính, không bị nhân dân phàn nàn vì thái độ cửa quyền, hách dịch, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực… Những cá nhân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lệch lạc, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị, phải được đưa ra ngay khỏi quy hoạch cán bộ.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý cán bộ phải được sớm chấn chỉnh, quy định rõ ràng các chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng cán bộ lãnh đạo và dựa vào đó để giám sát. Điều này có thể thực hiện được, vì Quy định 205 của Bộ Chính trị về về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chaỵ chức chạy quyền vừa ban hành đã xác định rõ vai trò của tập thể, cá nhân trong quy trình cán bộ, làm rõ vai trò của cá nhân người đứng đầu, cấp ủy viên, cán bộ tham mưu trong quy trình cán bộ. Nhưng cũng phải thấy, hiện có tình trạng, khi mới được bổ nhiệm chức vụ, những cá nhân này tích cực hoạt động, thậm chí còn được đánh giá tốt, song sau một thời gian mới bộc lộ, không “sinh chuyện ngay” khi xem xét bổ nhiệm. Do vậy, phải quản lý cán bộ thật tốt, có hệ thống theo dõi, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực phát sinh. Nếu cán bộ không chấn chỉnh kịp thời cần tiến hành xử lý, kỷ luật ngay. Có như vậy mới không tái diễn những bài học đau xót như vừa qua.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải thực hiện