Thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XIV

Đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn

- Thứ Hai, 17/12/2018, 08:38 - Chia sẻ
Phấn khởi trước những chuyển biến tích cực trong bức tranh kinh tế toàn cảnh năm 2018 với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra cùng nhiều điểm nhấn quan trọng. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, để phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là ngành công nghiệp không khói, tỉnh cần có nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, quan tâm tới môi trường du lịch… góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản.

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch

Có thể khẳng định, bức tranh kinh tế toàn cảnh năm 2018 của Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt, trong 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra với nhiều điểm nhấn quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu vẫn băn khoăn khi chỉ tiêu bình quân thu nhập đầu người còn thấp, hiệu quả kinh doanh du lịch còn hạn chế, lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch tại tỉnh nhiều nhưng số lượng khách lưu trú, ở lại nhiều ngày chưa cao, chưa có đột phá về quy hoạch khu dịch vu du lịch. Do đó, việc khai thác nguồn thu từ ngành du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng trên, các đại biểu đề nghị, tỉnh cần phải có nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành; quan tâm tới môi trường du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với bảo tồn và phát triển các di sản.


Đại biểu tham gia thảo luận tổ  Ảnh: Trần Tâm

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đề nghị, tỉnh cần thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, mở rộng các lĩnh vực đầu tư, bảo đảm phát triển toàn diện nền kinh tế và an toàn khi biến động thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một lĩnh vực; quan tâm thu hút vào khu công nghiệp các dự án công nghệ sạch, công nghệ cao; tăng cường quản lý bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan các khu công nghiệp. Trong đó, chú trọng phân cấp nhiệm vụ cho các địa phương, cơ sở để thực hiện có hiệu quả;…

Dẫn chứng thêm, đại biểu Nguyễn Thị Tỉnh (huyện Hoa Lư) cho rằng, doanh thu ngành du lịch thấp do chưa phát triển nhiều dịch vụ du lịch, nhất là các dịch vụ thu hút khách có thu nhập cao và sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chủ yếu là du lịch tâm linh, thắng cảnh; thiếu dịch vụ, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, chưa có khu vui chơi giải trí cao cấp… Vì vậy, đại biểu đề nghị, muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh, ngành du lịch và ngành nông nghiệp cần phối hợp rà soát tình hình thực tế, tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, định hướng người dân làm nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch tại những địa phương có điểm du lịch; đồng thời, cần ban hành quy chế quản lý hoạt động của loại hình homestay; chú trọng đến vấn đề bảo đảm ATTP tại các khu du lịch và nâng cao đời sống văn hóa cơ sở;…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, thực tế, du lịch Ninh Bình mới phát triển một thời gian ngắn, để theo kịp với tốc độ phát triển du lịch của các địa phương khác thì phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Theo Giám đốc Sở Du lịch Bùi Thành Đông, Sở sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, nhất là trình độ ngoại ngữ cho cán bộ cơ sở, những người quản trị doanh nghiệp du lịch, đặc biệt, nâng cao nhận thức của những người lao động trong các khu vực du lịch để góp phần thực hiện nếp văn minh ứng xử du lịch đối với du khách. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư vào du lịch, thông qua các hội chợ, triển lãm du lịch. Đặc biệt, sẵn sàng tạo điều kiện cho các hãng làm phim có uy tín quay phim, ghi hình, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Hỗ trợ xuất khẩu lao động

Xoay quanh vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, nhiều đại biểu cho rằng tỉnh đã quan tâm hỗ trợ bằng nhiều chính sách. Tuy nhiên, để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả vẫn còn nhiều yếu tố phải giải quyết, khắc phục. Theo đại biểu Đinh Thị Phượng (TP. Ninh Bình), xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một kênh giải quyết việc làm mang lại hiệu quả cao. Người lao động không những có thu nhập cao, ổn định mà còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm việc từ các nước bạn. Đây đang là xu hướng của nhiều tỉnh chứ không riêng của Ninh Bình. Vài năm trở lại đây, chỉ tiêu đi XKLĐ ở Ninh Bình thường không đáp ứng được yêu cầu, nhất là con số đi XKLĐ năm 2018 còn hạn chế. Thực tế, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh có rất nhiều người, nhất là lứa tuổi thanh niên muốn đi XKLĐ, song họ lại thiếu tự tin hoặc hoàn cảnh kinh tế gia đình không đủ để tham gia các khóa học tiếng... Bởi vậy, việc bổ sung chính sách du học nghề vào Đề án 12/ĐA-UBND về XKLĐ đã được phê duyệt tại Nghị quyết 24/NQ-HĐND tỉnh là điều cần thiết.

Để chính sách mới phát huy hiệu quả, trước hết tỉnh cần quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao đạo đức công vụ. Tin rằng, nếu làm tốt những vấn đề này sẽ tạo lan tỏa mạnh mẽ trong việc XKLĐ, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân - đại biểu Phượng nêu quan điểm.

Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Chung Phụng cho biết: Trong năm 2018, tỉnh cũng đã bổ sung 8 tỷ đồng cho dự án XKLĐ. Tuy nhiên, số lượng người tham gia XKLĐ còn ít. Một mặt do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, mặt khác do các đơn vị tổ chức lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Để công tác giải quyết việc làm đạt hiệu quả, việc bổ sung chính sách du học nghề vào Đề án số 12 ngày 20.6.2017 của UBND tỉnh về XKLĐ được xem là giải pháp quan trọng để thu hút học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã bổ sung một số nội dung trong chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn, như: Mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay... theo đó, ngân sách tỉnh sẽ bố trí thực hiện trong các năm 2019, 2020 là 10 tỷ đồng. Đây là chính sách được kỳ vọng tạo ra hướng đi mới hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm của địa phương.

TRẦN TÂM