Góc nhìn

Du lịch và môi trường

- Chủ Nhật, 26/05/2019, 08:02 - Chia sẻ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2019 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả cũng như thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Đây có thể xem là một bước tiến xử lý hành vi vi phạm hành chính phát sinh trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, trong lĩnh vực du lịch còn nổi lên vấn đề ô nhiễm môi trường rất đáng lo ngại.

Luật Du lịch cũng đã quy định về phát triển du lịch bền vững. Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định khuyến khích bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Nhưng hành vi làm ô nhiễm môi trường; tác động xấu đến môi trường trong hoạt động du lịch là điểm báo động.

Sự gia tăng nhanh khách du lịch kéo theo sự xuất hiện tràn lan các cơ sở dịch vụ đã dẫn đến việc sử dụng quá mức tài nguyên, gây tác động xấu đến môi trường xung quanh. Tình trạng rác thải vẫn là một vấn đề nóng ở một số điểm du lịch lớn nhất là vào mùa cao điểm. Thêm nữa, tại một số địa phương mới phát triển du lịch, nhất là tại các tuyến đảo, việc phát triển du lịch quá nhanh, quá “nóng” đã gây ra những nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Theo ông Trần Văn Hương - Giám đốc Xí nghiệp Môi trường, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang, mỗi ngày Nha Trang thải ra từ 470 - 490 tấn rác thải, trong đó lượng rác thải từ hoạt động kinh doanh du lịch rất lớn. Chỉ riêng hoạt động du lịch ở phường Lộc Thọ nơi tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng mỗi ngày thải ra khoảng 40 tấn rác. Rõ ràng, sức ép của hoạt động du lịch lên môi trường là rất lớn.

Ô nhiễm môi trường trong hoạt động du lịch rõ ràng là một nguy cơ tiềm ẩn, thậm chí hủy hoại, tàn phá môi trường nếu chúng ta không ý thức hết và kiểm soát kịp thời. Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã ban hành các văn bản quy định về bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy du lịch phát triển theo mục tiêu bền vững. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch còn thiếu những cơ chế, công cụ pháp lý cụ thể, chưa làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và những biện pháp khuyến khích cần thiết để bảo đảm thực thi.

Để bảo đảm phát triển du lịch bền vững, một số giải pháp bảo vệ môi trường đã được đưa ra như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu du lịch; tăng cường năng lực quản lý môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phát triển sinh kế cho người dân… Tuy nhiên, các giải pháp này chưa định rõ hành vi vi phạm về môi trường trong hoạt động du lịch, chưa hướng tới trách nhiệm của cộng đồng và doanh nghiệp khi khai thác cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn chỉ quan tâm đến lợi nhuận từ du lịch mà chưa chú ý bảo vệ bù đắp cho tài nguyên du lịch, môi trường, cảnh quan… Chưa thực sự gìn giữ, phát huy lâu dài giá trị quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng.

Việc ban hành nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động du lịch là một gợi mở cho cơ quan quản lý về môi trường và du lịch suy ngẫm xây dựng văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn Thông tư liên tịch số 19/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đây là những nội dung cần được lưu ý khi hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực du lịch.

Thanh Hà