Đổi mới toàn diện quy hoạch để phát triển đô thị thông minh

- Thứ Năm, 27/08/2020, 05:40 - Chia sẻ
Là đô thị đặc biệt đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, Hà Nội đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề mới phát sinh. Trong đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng thiết yếu sẽ là những thách thức chính quyền thành phố phải tập trung tháo gỡ. Vì thế, yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững; đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển đô thị, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc của Thủ đô… hết sức cấp bách.

Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung

Ghi nhận tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng về kết quả phối hợp công tác và những vấn đề lớn trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thủ đô mới đây cho thấy: Những năm qua, nhờ xác định đúng vai trò của công tác quản lý, phát triển đô thị, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, khang trang, hiện đại hơn. Tuy nhiên, với tầm vóc là đô thị đặc biệt của cả nước, lại đang trong quá trình phát triển, Hà Nội cũng đứng trước rất nhiều thách thức do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Xây dựng ký kết Quy chế phối hợp hoạt động thời gian tới

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng: Quy hoạch phủ kín của Thủ đô hiện đã đạt 86% nhưng các nội dung liên quan đến quy hoạch nội đô lịch sử, quy hoạch sông Hồng vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, thành phố vẫn chưa bảo đảm về công tác kiểm soát các chỉ tiêu quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu; thiếu lộ trình liên quan đến quy hoạch, phát triển 5 huyện dự kiến lên quận... Những vấn đề trên rất cần các đơn vị của Bộ Xây dựng phối hợp với thành phố Hà Nội điều chỉnh tổng thể quy hoạch để kịp thời phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện các thiết chế đô thị; công khai các quy hoạch trên địa bàn...

Tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Công tác quản lý và phát triển đô thị là yếu tố cốt lõi, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện quy hoạch chung của Thủ đô được thông qua năm 2011, nhiều yếu tố khách quan đang đòi hỏi thành phố phải thay đổi, đặc biệt là tư duy bền vững về phát triển đô thị. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần nghiên cứu, triển khai đồng thời với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thủ đô; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết, phối hợp xác định khu vực và lực lượng tham gia lập quy hoạch chi tiết.

Về mô hình phát triển đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng: Mô hình chùm đô thị của Thủ đô hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế trong hiệu quả sử dụng đất, giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy về mô hình phát triển đô thị của thành phố. Trong đó, nghiên cứu chỉnh sửa lại quy hoạch về chiều cao công trình, nhất là tại 4 quận nội đô lịch sử để linh hoạt hơn trên thực tiễn; tập trung xây dựng quy hoạch không gian ngầm của thành phố. “Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội ngay trong những khâu đầu tiên của việc điều chỉnh quy hoạch để rút ngắn thời gian của quá trình điều chỉnh, bảo đảm tiến độ giải quyết những vấn đề lớn của Thủ đô” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Cần sớm điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, mục tiêu tổng quát phát triển đô thị của Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 là đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững; phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng một số đô thị vệ tinh và đô thị thông minh. Trên cơ sở những nội dung đã trao đổi và thống nhất tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy mong muốn Bộ Xây dựng tăng cường phối hợp, hỗ trợ thành phố giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp thiết về quy hoạch, nhất là quy hoạch nông thôn gắn với phát triển đô thị; cải tạo chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm; thực hiện chương trình phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị; phát triển nhà ở xã hội...

Tập trung giải quyết những vấn đề lớn

Đề cập đến vấn đề “nóng” cải tạo chung cư cũ, nhà ở nguy hiểm trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá: Đây là vấn đề khó không chỉ của riêng Hà Nội. Trong đó, vướng mắc chính thuộc về cơ chế, chính sách ở cả luật và các văn bản dưới luật. Bộ Xây dựng sẽ cùng Hà Nội rà soát những vướng mắc liên quan đến các nghị định để kiến nghị Chính phủ tháo gỡ ngay; những vướng mắc thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật sẽ kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho thực hiện thí điểm tại Hà Nội, qua đó rút kinh nghiệm chung cho cả nước. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị: Hà Nội cần phát triển thêm các khu nhà ở xã hội tập trung; đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 vấn đề hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng bảo đảm các yêu cầu về thoát lũ, phòng chống thiên tai nhưng vẫn khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng ngay quy chế quản lý kiến trúc. Trước mắt, là thành lập được Hội đồng Kiến trúc của thành phố để triển khai thực hiện được các nội dung này.

Chia sẻ với những khó khăn của thành phố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu quả phối hợp với Hà Nội theo hướng: Tập trung phối hợp giải quyết các vấn đề lớn của Hà Nội, thành lập tổ công tác chung để giải quyết những vấn đề này; tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội trong thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và giảm ít nhất một nửa thời gian giải quyết thủ tục, cho ý kiến theo quy định khi giải quyết các thủ tục cho Hà Nội.

Đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về 3 định hướng phối hợp với thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Vương Đình Huệ cũng thống nhất việc thành lập tổ công tác chung để giải quyết những vấn đề lớn, có tính chiến lược cho Thủ đô. Đồng thời, khẳng định thành phố sẽ thực hiện tốt những nội dung thuộc thẩm quyền phân cấp của Bộ Xây dựng; các sở, ngành tích cực, chủ động, theo sát công việc hơn để tranh thủ hiệu quả hơn sự hỗ trợ của các bộ, ngành.

HUYỀN LOAN