Doanh nghiệp bất động sản chờ thêm cơ chế để “bứt tốc”

- Thứ Bảy, 13/06/2020, 14:30 - Chia sẻ
Thời giam qua Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) nhằm vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để nhanh chóng phục hồi, phát triển và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, ngoài sự nỗ lực của các DN, vẫn cần sự giúp sức từ Chính phủ. Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại hội thảo: “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu Covid -19” diễn ra sáng 12.6.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích những nguy cơ, thách thức cũng như thời cơ để kịp thời có những khuyến nghị, chính sách phù hợp khuyến khích thị trường BĐS nhanh chóng phục hồi và phát triển tạo nguồn thu cho quốc gia.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế các quốc gia trong đó có Việt Nam. Đối với ngành BĐS, các chỉ số về cung, cầu và khả năng thanh khoản sụt giảm. Theo đó, chỉ tính riêng nhà ở thương mại, lượng tiêu thụ sản phẩm chỉ đạt khoảng 14%, thấp thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn vốn đầu tư FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS sụt giảm mạnh, trong quý I.2020 chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI), tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Hiệp
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Hiệp

Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ và các bộ, ngành ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN bất động sản. Bên cạnh đó việc cải cách thủ tục hành chính cũng gióp phần giúp DN bất động sản vượt khó. Trong dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng chúng tôi có đề xuất miễn giấy phép xây dựng và sẽ có hiệu lực ngay nhằm tháo gỡ cho các dự án BĐS. Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư cho đồng nhất, giúp DN và người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Tổng Biên tập báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng nhận định, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng đang phải chứng kiến một “nốt trầm” trong hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong tất cả các ngành nghề. Tiếp đó, số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%, số còn lại khoảng 200 sàn đang hoạt động cầm chừng… Các bất động sản ven biển vẫn tồn đọng, các văn phòng cho thuê chậm giao dịch do đường bay quốc tế chưa được mở, các chuyên gia nước ngoài chưa trở lại Việt Nam…

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Hiệp
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Hiệp

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) TS. Cấn Văn Lực phân tích, với tâm lý “tiền mặt là vua”, trong bối cảnh kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư thường ưu tiên giữ nguồn vốn và chỉ tập trung đầu tư vào các thị trường họ đã am hiểu… Việc thiếu minh bạch, quỹ đất, nguồn vốn, rà soát pháp lý… vẫn là rào cản lớn. Xu thế số hóa cũng tạo ra đòi hỏi tất yếu minh bạch hóa thị trường BĐS.

Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Đất Xanh miền Trung Nguyễn Anh Tú đánh giá: Là một quốc gia chủ động thực hiện phòng chống dịch sớm, Việt Nam may mắn có tình trạng kinh tế khả quan hơn nhiều các quốc gia trên thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I.2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với ngành bất động sản, tác động tiêu cực thực sự có hiện hữu về phía bên xây dựng dự án lẫn nhu cầu đầu tư của khách hàng. Cụ thể, về phía cung, một số dự án xây dựng cần huy động vốn, vay nợ ngân hàng gặp khó khăn trong việc kéo dài dự án, chậm nộp lãi suất và xáo trộn về mặt tài chính, cần bán tháo, bán hạ giá.

Mặt khác, về phía cầu, tâm lý bi quan với nền kinh tế khiến khách hàng cẩn trọng hơn khi chi tiêu, không muốn "xuống tiền" đầu tư mạo hiểm. Một bộ phận khách hàng “bớt giàu có hơn” do chịu tác động từ dịch nên khoản vốn đầu tư cũng giảm. Tích trữ tiền mặt, vàng trở thành giải pháp an toàn thay vì đầu tư kinh doanh.

 

Lê Đức Hiệp