Đoàn giám sát Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên làm việc với Bộ Công thương

- Thứ Tư, 22/07/2020, 14:54 - Chia sẻ
Sáng 22.7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên đã làm việc với Bộ Công thương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó trưởng Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh; các thành viên Đoàn giám sát...

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu phát biểu

Báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, nhằm kịp thời triển khai các FTA mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật về các quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, biểu thuế các loại hàng hóa để hướng dẫn chi tiết thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại mà nước ta là thành viên. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thực thi các FTA đều được xây dựng theo đúng quy trình, đáp ứng cam kết của điều ước quốc tế, phù hợp với pháp luật hiện hành.

Việt Nam và các đối tác FTA cũng đã thành lập nhiều Nhóm công tác chung để triển khai cam kết hoặc tổ chức họp định kỳ để rà soát, đánh giá tình hình thực thi; xây dựng kế hoạch thực hiện quy định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi, văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về quy tắc xuất xứ, thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ trong Hiệp định và các cam kết cụ thể khác giữa hai bên trong nội dung hiệp định… Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế (trước đây) và Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế thực hiện việc thống nhất chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và đơn vị thực hiện chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch của Chính phủ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc thực thi các hiệp định FTA.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh báo cáo với Đoàn giám sát tại cuộc làm việc

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện các FTA cũng bộc lộ hạn chế về năng lực cạnh tranh; sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và nguồn khoáng sản tự nhiên; chất lượng sản phẩm không bảo đảm; xuất khẩu sản phẩm chế biến; tham gia các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu còn chậm; tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao…

Mặt khác, việc thực hiện các FTA còn vấp phải hạn chế, bất cập trong ban hành chính sách, pháp luật. Cụ thể, hệ thống các chính sách, pháp luật nhìn chung còn thiếu, yếu và chồng chéo. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực hiện một số FTA thế hệ mới với những bổ sung, tăng cường cam kết của các quốc gia trong vấn đề môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ hiện nay, pháp luật thương mại Việt Nam hiện nay lại đang tạo ra những rào cản cho quá trình thực hiện các cam kết khi những khái niệm cơ bản, quy định của Luật Thương mại năm 2005 chưa đáp ứng được nội hàm các Hiệp định thế hệ mới này. Việc tổ chức thực hiện các FTA còn chưa đồng bộ và chủ động tại một số cơ quan quản lý nhà nước. Nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế; chưa quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế ở các cấp; môi trường chính sách còn thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống; hạn chế về năng lực của các cán bộ thực thi công tác hội nhập kinh tế quốc tế ở các cấp…

Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Công thương và cho rằng, báo cáo đã cung cấp bức tranh khá tổng thể, toàn diện về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta cũng như những kết quả trong hoạt động đàm phán, ký kết, thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Thống nhất với nhận định về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi các FTA của một số bộ, ngành hầu hết còn chậm, các thành viên Đoàn giám sát nhấn mạnh, việc ban hành chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực thi các FTA là hành lang pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện. Sự chậm trễ trong ban hành các văn bản hướng dẫn không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện mà còn ảnh hưởng lớn tới kết quả, hiệu quả thực thi các FTA. Đoàn giám sát đề nghị, Báo cáo cần chỉ rõ văn bản nào chậm ban hành, cơ quan nào chậm ban hành văn bản hướng dẫn.

Đoàn giám sát cũng cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA còn là khâu yếu. Phần lớn các doanh nghiệp chưa thực sự nắm rõ về các FTA mà Việt Nam là thành viên. Đoàn giám sát đề nghị, Bộ Công thương và các cơ quan có trách nhiệm phối hợp trong triển khai công tác truyền thông, có cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả hơn nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương trong việc chuẩn bị Báo cáo nghiêm túc, kỹ lưỡng, cụ thể. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Công thương là hoạt động đầu tiên trong chương trình giám sát. Những vấn đề nêu ra tại cuộc làm việc này sẽ là cơ sở để Đoàn giám sát tiếp tục làm rõ thêm tại các cuộc làm việc tới đây với Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Nhật An