Đoàn giám sát về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Thứ Tư, 22/07/2020, 18:06 - Chia sẻ
Chiều 22.7, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó trưởng Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh; các thành viên Đoàn giám sát...

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại cuộc làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các FTA do Bộ chủ trì đàm phán và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ký kết, Bộ luôn tuân thủ trình tự, thủ tục được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật tại từng thời kỳ. 

Về kết quả ban hành chính sách, pháp luật nhằm triển khai thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, Bộ trưởng nêu rõ, các cam kết về đầu tư tại các hiệp định đầu tư/chương đầu tư cơ bản đều phù hợp với chính sách, pháp luật của Việt Nam. Do đó, các cam kết này đều được áp dụng trực tiếp mà không phải sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật để thực thi. 

Đối với những trường hợp cần sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định, Bộ đã kịp thời xây dựng chính sách, pháp luật để trình Chính phủ ban hành theo đúng lộ trình cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo với Đoàn giám sát

Đánh giá tác động tiêu cực của các FTA mà Việt Nam là thành viên, Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện các FTA đặt ra những thách thức lớn hơn, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết có hiệu quả những tranh chấp này; đồng thời, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng, ngừa tranh chấp.

Về phía Nhà nước, Bộ trưởng kiến nghị, bên cạnh những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam..., cần sửa đổi, bổ sung và ban hành một số đạo luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh theo hướng tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công.

Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản thống nhất với Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song cũng thẳng thắn chỉ rõ, Báo cáo của Bộ còn khá khiêm tốn so với các báo cáo của bộ, ngành khác. Các cam kết về đầu tư trong các FTA là nội dung quan trọng và cũng rất phức tạp. Nhấn mạnh điều này, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ trách nhiệm của Bộ trong việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm tổ chức thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên. Có ý kiến đề nghị, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có đánh giá mang tính định lượng hơn về tác động của các FTA đối với nước ta trên các khía cạnh kinh tế - xã hội; chính trị; quốc phòng - an ninh…

Thanh Chi