Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV

Gửi niềm tin đến những người đại diện

- Thứ Sáu, 26/06/2020, 08:56 - Chia sẻ
Ngay sau khi Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV khép lại chương trình nghị sự, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức TXCT các địa phương trong toàn tỉnh. Bên cạnh báo cáo những kết quả quan trọng của kỳ họp, các buổi TXCT còn là cơ hội để các ĐBQH tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri liên quan đến các tồn tại, vướng mắc từ quá trình vận động, xây dựng, phát triển của đất nước, của địa phương.

Quốc hội tiếp tục đổi mới, hành động

Tại các buổi tiếp xúc, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã thông tin nhanh tới cử tri trong toàn tỉnh những nội dung, kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV. Đóng góp vào thành công chung của Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tập trung trí tuệ, tham gia đầy đủ các nội dung với tinh thần nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao; đóng góp nhiều ý kiến quan trọng với Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, chuyển tải các ý kiến, nguyện vọng, tâm tư của cử tri Quảng Ninh đến Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương. Các ý kiến đóng góp của các ĐBQH Quảng Ninh tham gia đều có chất lượng, nhiều nội dung được Quốc hội ghi nhận, tiếp thu.

Tại buổi TXCT thị xã Quảng Yên, sau khi nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, ĐBQH tỉnh thông tin nhanh các nội dung trên, cử tri đánh giá cao kết quả của kỳ họp, cũng như những đóng góp tích cực của Đoàn ĐBQH tỉnh vào chương trình nghị sự. Cử tri cũng bày tỏ tin tưởng với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thị xã trong 6 tháng qua, đặc biệt là việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 sẽ là tiền đề để tỉnh Quảng Ninh nói chung, thị xã Quảng Yên nói riêng cùng cả nước sớm lấy lại đà ổn định, tăng trưởng.

Tại huyện Tiên Yên, chia sẻ với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ĐBQH tỉnh Ngô Thị Minh, cử tri nhấn mạnh: Lần đầu tiên thực hiện họp trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, Quốc hội đã tiếp tục cho thấy hình ảnh luôn đổi mới, linh hoạt trong hoạt động, bắt kịp sự phát triển của thế giới trong thời đại 4.0 hiện nay.

Cử tri TP Hạ Long gửi kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi tiếp xúc  

Quan tâm hơn đến chất lượng đời sống người dân

Không chỉ dành những đánh giá tích cực đối với các hoạt động của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh, các buổi TXCT sau Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV cũng là diễn đàn để cử tri thẳng thắn, chủ động phát biểu, trao đổi những tâm tư, nguyện vọng của bản thân cũng như của đa số người dân địa phương. Gửi đến Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Thị Lan, ĐBQH tỉnh, cử tri thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà đề nghị: Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, xây dựng kè biên giới Móng Cái; công tác chi trả chế độ cho cán bộ tham gia các hoạt động xã hội đã nghỉ hưu; chế độ tổng kết khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19… Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn, Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ giảm giá điện cho các mô hình phát triển kinh tế của người dân vùng sâu, vùng xa; giải quyết ổn thỏa công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho người dân; tăng cường hơn nữa quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ...

Với cử tri thành phố Hạ Long, các giải pháp khôi phục kinh tế -  xã hội sau đại dịch Covid-19, nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ đời sống nhất là các xã miền núi lại là mối quan tâm hàng đầu. Cử tri Nguyễn Văn Cự (phường Bãi Cháy) cho biết: Thời gian qua, thành phố Hạ Long đã có sự phát triển vượt bậc, diện mạo có những sự thay đổi hết sức ấn tượng. Tuy vậy, sự phát triển nhanh chóng, quá trình đô thị hóa cũng kéo theo một số bất cập về chất lượng hạ tầng giao thông, điện nước sinh hoạt, trường học... “Đây là những vấn đề tỉnh và thành phố cần tập trung tháo gỡ, giải quyết vì có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân”, cử tri Nguyễn Văn Cự nói.

Trong khi đó, cử tri các xã miền núi của thành phố Hạ Long sau khi sáp nhập địa giới hành chính lại đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Quốc hội thống nhất thông qua. Theo cử tri, đây là Nghị quyết hết sức quan trọng, có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho vùng khó khăn nhất - chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất - phát triển chậm nhất - tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất - tỷ lệ hộ nghèo cao nhất hiện nay. Kỳ vọng Nghị quyết sẽ tạo ra những động lực mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo; thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng còn lại, cử tri mong muốn: Quá trình triển khai thực hiện, Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân. Qua đó, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu đến năm 2025 thu nhập của đồng bào DTTS và miền núi tăng gấp hai lần so với năm 2020.

Chia sẻ với cử tri thành phố Hạ Long tại buổi tiếp xúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết: Tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long đã nhận diện và đang tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan đến áp lực của quá trình đô thị hóa của thành phố. Một trong số đó là mở rộng xây dựng các khu vực ngoài đô thị trung tâm, thực hiện giãn dân, tăng cường hạ tầng xã hội, giảm áp lực về giao thông. “TP Hạ Long đang có tốc độ phát triển rất cao, dân số lớn. Do vậy, tỉnh phải tiếp tục củng cố, phục vụ tốt hơn cho người dân về các nhu cầu thiết yếu như: Điện, nước, giao thông. Riêng về trường học, tỉnh cũng đang có những chính sách tiếp tục thu hút, xây dựng trường tại các khu vực đang đột biến về dân số, bảo đảm đời sống cho người dân”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh.

SƠN NGUYÊN