Chính sách và cuộc sống

Điều lo nhất

- Chủ Nhật, 10/05/2020, 07:08 - Chia sẻ
Một trong những vấn đề đáng lo nhất của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Chín tới chính là sự thống nhất với hệ thống pháp luật. Đây không chỉ là dự luật rất đồ sộ, rất khó mà theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, sau khi nhận được hồ sơ dự luật, một nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban này đã xem xét và nhận thấy nội dung của dự luật này có liên quan tới khoảng 80 luật khác, trong đó có một số luật đang có hiệu lực, một số luật mới được thông qua và một số luật hiện đang được sửa đổi. Điều đáng nói là, dù có liên quan rất lớn đến hệ thống pháp luật như vậy nhưng nhiều nội dung của dự luật lại có cách tiếp cận rất “khác”, ngay cả với các dự luật đang được Quốc hội xem xét và sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Trước hết là, nhóm dự luật về đầu tư gồm dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đều tiếp cận vấn đề bảo vệ môi trường gắn với quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư và được thiết kế trên cơ sở quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành. Cụ thể là, quy trình trong các Luật Đầu tư chủ yếu xác định theo hướng đánh giá sơ bộ tác động môi trường ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, sau đó đánh giá đầy đủ tác động môi trường trước khi quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công hoặc trước khi nhà đầu tư triển khai đầu tư đối với các dự án đầu tư theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, dự luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lại tiếp cận theo hướng quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại Điều 36 (trong đó Khoản 1 Điều 36 quy định về đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường) và đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường tại Điều 38. Vậy thì phân biệt Điều 36 và 38 là phân biệt theo quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với những loại đối tượng dự án nào, đánh giá đầy đủ đối với các loại dự án nào? 

“Tôi đọc thì tôi chưa hình dung ra. Như thế này thì phải chăng có những dự án chỉ có đánh giá tác động sơ bộ mà không có bước đánh giá đầy đủ? Hoặc có những dự án đánh giá tác động đầy đủ ngay mà không có bước đánh giá tác động sơ bộ?”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt câu hỏi. Sự thay đổi trong cách tiếp cận như vậy có sự kết nối chặt chẽ với các quy định trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), dự thảo Luật PPP và Luật Đầu tư công. Nhưng đến nay, cơ quan soạn thảo cũng chưa làm rõ được sự thay đổi này sẽ tác động thế nào đến trình tự, thủ tục đầu tư. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong lĩnh vực đầu tư vừa qua đã cho thấy, có những trường hợp chỉ khác nhau một dấu “,” cũng đã dẫn đến sự chồng chéo, cản trở, ách tắc hoạt động đầu tư huống hồ là sự thay đổi hẳn trong cách tiếp cận như vậy?

Một dự luật khác là dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín nhưng cũng trong tình trạng tương tự. Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có khá nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến xử lý vi phạm hành chính nhưng các nội dung này không những “hoàn toàn không được đề cập đến” trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà còn “đang đi rất khác so với những nguyên tắc mang tính lý luận, những quy định cơ bản của Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Ví dụ dự luật quy định phạt tiền tối đa áp dụng theo mức không quá 10 lần giá trị số lợi thu được từ hành vi vi phạm. Đây là quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính nhưng sau đó, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành năm 2012, quy định này đã không còn được áp dụng nữa. Hay về thẩm quyền, dự luật thậm chí còn giao thẩm quyền xử phạt cho công chức, viên chức cấp xã, tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, khu kinh doanh dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu - những người không được giao thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thậm chí, một hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng lại được quy định thành nguyên tắc trong dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường là toàn bộ tiền xử phạt vi phạm hành chính không nộp vào ngân sách mà để lại cho cơ quan, tổ chức xử phạt để thực hiện việc kiểm tra xử lý vi phạm hoặc duy trì hoạt động bảo vệ môi trường. Dự luật đặt vấn đề như vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật là, “trái hoàn toàn nguyên tắc”.

Chưa bàn đến hiệu quả bảo vệ môi trường từ những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung nhưng có một câu hỏi phải trả lời thấu đáo là: Liệu chúng ta có thể hy vọng đưa tất cả những vấn đề về môi trường, về bảo vệ môi trường vào dự luật này được không? Nếu lại cho phép bằng dự luật này để sửa hết, trùm hết các luật vừa thông qua, các luật hiện hành hoặc thậm chí cả với các dự luật đang chuẩn bị được Quốc hội thông qua, cứ “làm luật này thì sửa luật kia, luật kia lại sửa tiếp một số luật nữa rồi lại quay trở lại sửa luật này” thì hệ lụy đối với hệ thống pháp luật và áp dụng pháp luật là vô cùng lớn mà chúng ta không thiếu những bài học vẫn đang còn nóng hổi.
Lam Anh