Các nghị viện thành viên AIPA - Nghị viện Campuchia

Điều chỉnh Luật Bầu cử để thúc đẩy tính công bằng, minh bạch

- Chủ Nhật, 30/08/2020, 05:38 - Chia sẻ
Cơ quan lập pháp lưỡng viện của Campuchia gồm Quốc hội (Hạ viện) và Thượng viện, trong đó các nghị sĩ Hạ viện được bầu trực tiếp thông qua một cuộc tổng tuyển cử trong khi các Thượng nghị sĩ được bầu gián tiếp bởi các hội đồng lập pháp địa phương. Kể từ năm 1998, Campuchia bắt đầu áp dụng chế độ bầu cử theo tỷ lệ đại diện. Các luật về bầu cử cũng luôn được sửa đổi, bổ sung để thúc đẩy tính công bằng, minh bạch.

Kể từ khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết năm 1991, chấm dứt nhiều thập kỷ nội chiến và sự chiếm đóng của nước ngoài, các cuộc tổng tuyển cử của Campuchia được tổ chức vào các năm 1993, 1998, 2003, 2008, 2013 và mới nhất là năm 2018. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên do Cơ quan Chuyển tiếp của Liên Hợp Quốc về Campuchia (UNTAC) điều hành vào tháng 7.1993, cuộc bầu cử địa phương đầu tiên được tổ chức vào tháng 2.2002 và Thượng viện Campuchia lần đầu tiên được bầu bởi các quan chức hội đồng địa phương vào tháng 1.2006. Kể từ năm 1998, Campuchia bắt đầu áp dụng chế độ bầu cử theo tỷ lệ đại diện. Các luật về bầu cử cũng luôn được sửa đổi, bổ sung để thúc đẩy tính công bằng, minh bạch.

Cuộc Tổng tuyển cử năm 2018 được tổ chức vào ngày Chủ nhật, 29.7.2018 để bầu ra các thành viên của Quốc hội Khóa VI. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên cho thấy số lượng cử tri đăng ký đã giảm kể từ năm 1993 và giảm 13% so với cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Trong cuộc bầu cử này, lần đầu tiên Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền giành được toàn bộ 125 ghế trong Quốc hội, tăng 57 ghế so với nhiệm kỳ trước đó.

Ủy ban Phân bổ ghế

Theo Luật mới, các nghị sĩ Quốc hội được bầu trực tiếp bằng bỏ phiếu kín. Ngày bỏ phiếu do Thủ tướng quyết định và thông báo dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ. Cuộc bầu cử được tổ chức trọn trong một ngày Chủ nhật trừ phi xảy ra chiến tranh hay giải tán Quốc hội sớm trước thời hạn. Trong trường hợp giải tán Quốc  hội, cuộc bầu cử sẽ phải được tổ chức trong vòng 60 ngày sau đó.

Vào năm thứ 3 của mỗi nhiệm kỳ lập pháp, Hội đồng Bộ trưởng sẽ thành lập Ủy ban Phân bổ ghế trong Quốc hội để bổ sung số lượng ghế và phân bổ ghế cho mỗi tỉnh/thành. Dựa vào các yếu tố kinh tế - xã hội, Ủy ban này sẽ đệ trình Chính phủ tăng số lượng ghế hay giữ nguyên và Chính phủ sẽ dự thảo luật cụ thể để Quốc hội thông qua và được công bố ít nhất 1 năm trước ngày bầu cử.

Ủy ban Bầu cử Campuchia (NEC)

Cuộc bầu cử Nghị sĩ Quốc hội sẽ nằm dưới sự quản lý của NEC, một cơ quan độc lập, chịu trách nhiệm hoạch định, tổ chức, điều hành, giám sát bầu cử trên toàn quốc. Dựa trên đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Quốc vương sẽ bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên của NEC ít nhất 7 tháng trước ngày bầu cử. Quyết định bổ nhiệm cần được đa số nghị sĩ thông qua.

Trực thuộc NEC là các Hội đồng Bầu cử cấp tỉnh/thành phố (PECs), Hội đồng Bầu cử cấp Quận/huyện (CECs) và các Hội đồng phụ trách các điểm bỏ phiếu (PSCs). Trong trường hợp giải tán Quốc hội trước thời hạn, NEC đứng ra tổ chức cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày kể từ ngày giải tán Quốc hội.

Đăng ký và vận động tranh cử

Việc đăng ký tham gia bầu cử của các chính đảng và các ứng cử viên sẽ bắt đầu 90 ngày trước ngày bỏ phiếu. Ứng cử viên phải là công dân Khmer đủ 25 tuổi, có nơi cư trú ở Campuchia, có tên trong danh sách cử tri và được một chính đảng đã đăng ký tranh cử đề cử. Những người không được đăng ký ứng cử là công chức, quan chức tòa án, người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, các linh mục hay những người đang chịu án tù.

Theo luật định, khi đăng ký tham gia bầu cử, mỗi chính đảng phải nộp 3.750USD tiền đặt cọc và số tiền này sẽ chỉ được hoàn lại cho những đảng nào giành được ít nhất một ghế trong Quốc hội. Nếu không, số tiền đặt cọc được sung ngân sách nhà nước.

Cũng theo quy định, các đảng tham gia tranh cử sẽ được phép tuyên truyền vận động tranh cử trong vòng 30 ngày, bắt đầu từ 6h sáng đến 10h tối, và sẽ chấm dứt tuyên truyền trước ngày bầu cử. Các chính đảng, các ứng cử viên có quyền tổ chức mít tinh và diễu hành, nhưng không được phỉ bang đối thủ. Mỗi đảng chỉ được xuất hiện trên truyền hình đúng thời lượng cho phép, phù hợp với quyền bình đẳng sử dụng truyền thông. Nghiêm cấm sử dụng tên và hình ảnh của nhà Vua hay logo của NEC trong vận động tranh cử. Luật cũng nghiêm cấm các đảng sử dụng băng rôn, biểu ngữ giăng ngang đường, các nơi công cộng, trụ sở của nhà nước… Các tổ chức quốc tế đang làm việc tại Campuchia và các tổ chức xã hội trong nước phải đứng trung lập.

Điều kiện bỏ phiếu và kiểm phiếu

NEC sẽ thành lập một hay nhiều điểm bỏ phiếu ở mỗi xã/phường phù hợp với quy tắc chung. Mỗi địa điểm có hơn 700 cử tri. Mọi công dân mang quốc tịch Khmer, đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi, có nơi cư trú tại xã/phường nơi đăng ký cử tri và không chịu hình phạt tù, đều có quyền đi bầu cử. Các ứng cử viên và vợ/chồng, con cái họ có thể bỏ phiếu ở khu vực bầu cử nơi họ tranh cử.

Bỏ phiếu được tiến hành trong một ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 3 giờ chiều. Cuộc kiểm phiếu sẽ tiến hành 1 giờ sau đó dưới sự giám sát của các quan sát viên quốc tế và địa phương. Hội đồng phụ trách Địa điểm Bỏ phiếu có trách nhiệm kiểm phiếu trước khi trình lên NEC.

NEC sẽ thu thập và kiểm tra các kết quả bỏ phiếu trước khi công bố chính thức. Nếu thấy bất thường ở địa điểm nào, NEC sẽ hủy kết quả ở địa điểm đó và phải tổ chức bỏ phiếu lại trong vòng 8 ngày sau đó. Luật mới cũng cho phép các quan sát viên có thể kiến nghị trực tiếp với các quan chức phụ trách bầu cử ngay tại các điểm bỏ phiếu về những “biểu hiện bất thường” hoặc những sai phạm mà không cần trình bày bằng văn bản như trước đây. Những sửa đổi bổ sung này nhằm làm cho kết quả bầu cử minh bạch hơn, tránh những hoài nghi và thể hiện tính dân chủ.

Quỳnh Vũ