Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020

- Thứ Năm, 23/07/2020, 05:06 - Chia sẻ
Ngày 22.7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và chủ trì.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu dự diễn đàn.
Ảnh: Lâm Hiển

Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước; các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; và gần 1.500 đại biểu tham gia tại 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước và 30 điểm cầu quốc tế…

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2007 của Bộ Chính trị Khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Kết luận số 26-KL/TW, ngày 24.10.2003 của Bộ Chính trị Khóa IX về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam, đến nay, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng, bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.

Tuy nhiên, ngành năng lượng vẫn còn hạn chế, yếu kém, như mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch…

Ảnh: Lâm Hiển

Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, Nghị quyết đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế, tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị...

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, ngành năng lượng Việt Nam đang từng bước chuyển đổi sang cơ chế thị trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Ngành cũng từng bước thúc đẩy và huy động được nguồn lực lớn cho phát triển với sự tham gia của các thành phần kinh tế; đặc biệt là khối tư nhân trong phát triển năng lượng tái tạo. Theo Phó Thủ tướng, mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng như vậy, nhưng ngành năng lượng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế và cần được khắc phục, giải quyết.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ các nhiệm vụ trong từng giai đoạn để cụ thể hóa chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW; kiến nghị, đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện thể chế phát triển ngành năng lượng theo tinh thần Nghị quyết, nhất là về xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả. Thảo luận về cơ chế, chính sách đột phá cho chuyển dịch năng lượng thành công từ chủ yếu là năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng mới và năng lượng tái tạo...

Các đại biểu kiến nghị cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện; xử lý vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng có quy mô lớn theo quan điểm, chủ trương nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW...

Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ đầu tư với UBND các tỉnh, thành phố; giữa nhóm các nhà đầu tư trong các dự án năng lượng với nhau và với ngân hàng đầu mối thu xếp vốn. Các ghi nhớ này có quy mô lên đến hơn 20 tỷ USD, thể hiện sự quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong đầu tư, phát triển năng lượng quốc gia.

Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra 4 phiên hội thảo với chuyên đề: Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phát triển điện gió trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Lâm Hiển