Điểm sàn ngành sức khỏe và sư phạm tăng nhẹ

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:46 - Chia sẻ
Chiều 17.9, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với khối ngành sức khỏe và sư phạm, lần lượt là 19 - 22 điểm và 16,5 - 18,5 điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, ngưỡng điểm đầu vào tăng 1 - 2 điểm so với năm ngoái là phù hợp trong bối cảnh điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng cao.

Không “cào bằng” điểm sàn

Năm nay, ngưỡng bảo đảm chất lượng các ngành sư phạm không “cào bằng” mà có sự phân định rõ ràng và cao hơn năm ngoái 1 - 1,5 điểm.

Cụ thể, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 18,5 điểm. Trong đó, các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng chung 1 điểm. Điểm xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là 16,5. 

Là thành viên của Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Đào Đăng Phượng khẳng định: Điểm sàn này được tính toán rất kỹ, có phân tích dữ liệu, so sánh với các năm trước, trong đó có tính toán cả số dư, số đạt trên ngưỡng để đưa ra ngưỡng điểm hợp lý, khoa học.

Cũng theo ông Phượng, việc lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng trình độ đại học các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật là phù hợp với quy chế. “Năm ngoái khi cào bằng, nhiều em có điểm văn hóa cao, điểm năng khiếu thấp vẫn trúng tuyển. Trong khi qua phân tích, các em có nhu cầu thi vào các trường năng khiếu thường có điểm thi tốt nghiệp thấp hơn mặt bằng chung, do các em tập trung cho rèn luyện năng khiếu”, ông Phượng nói.

Trao đổi về mức điểm sàn với trình độ đại học khối ngành sư phạm năm nay, thí sinh Nguyễn Minh Ngọc, đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đây là mức dễ đoán bởi năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT tăng hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức sàn, tùy điều kiện tiêu chuẩn, chỉ tiêu còn lại của từng trường, từng ngành mà mức chuẩn đầu vào cho từng ngành sẽ điều chỉnh tăng lên hay giữ nguyên. Thí sinh này dự đoán, điểm chuẩn các khối ngành đào tạo sư phạm trình độ đại học sẽ cao hơn 2 - 3 điểm so với “điểm sàn”.

Khoa Y dược Đại học Đại Nam

Nguồn: ITN 

Phù hợp cho cả trường công lập lẫn tư thục

Năm 2019, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề trình độ đại học từ 18 - 21 điểm. Năm nay, điểm sàn tăng lên 1 điểm, cụ thể: Ngành y khoa, răng - hàm - mặt 22 điểm; ngành y học cổ truyền, dược 21 điểm; điều dưỡng, y tế dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm… 19 điểm.

Nhiều chuyên gia nhận định, ngưỡng điểm sàn không có quá nhiều ý nghĩa với khối các trường đào tạo y dược công lập, bởi năm nào điểm trúng tuyển vào trường cũng cao hơn rất nhiều so với điểm sàn. Tuy nhiên, TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường cao đẳng, đại học cho rằng, với các trường khối dân lập thì đây là việc quan trọng, quyết định số lượng thí sinh trúng tuyển và sự phát triển của trường. Do đó, một trong những nguyên tắc đề xuất điểm sàn là hội đồng tư vấn phải nghĩ đến lợi ích của các trường ngoài công lập, phải bảo đảm nguồn tuyển cho các trường này. Theo đó, ông Khuyến cho rằng, điểm sàn năm nay là phù hợp cho cả trường công lập lẫn tư thục.

Theo Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác với mức điểm này, những trường nhóm dưới không khó khăn trong tuyển sinh vì nguồn tuyển “rộng cửa”. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Tác lưu ý các nhà trường: Tới đây sẽ có hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực. Nếu học xong không được cấp chứng chỉ sẽ không được hành nghề. Do đó, để đủ tư cách hành nghề, các bác sĩ tương lai sẽ còn phải trải qua quá trình sát hạch với nhiều điều kiện quan trọng. Như vậy, làm sao để bảo đảm chất lượng đào tạo là bài toán các trường phải tính kỹ khi đưa ra điểm chuẩn để tuyển sinh.

Khải Minh