Bạn đọc viết

Để luật sớm đi vào cuộc sống

- Thứ Hai, 21/10/2019, 08:10 - Chia sẻ
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết.

Quy định này nhằm bảo đảm QH, UBTVQH có thể kiểm soát được nội dung quy định chi tiết có phù hợp với phạm vi và định hướng nội dung được ủy quyền hay không. Đồng thời đây cũng là một giải pháp bảo đảm tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Rõ ràng mong muốn của các nhà làm luật là có cơ sở, nhất là trong bối cảnh việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn đã ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả thi hành của văn bản được hướng dẫn. Để thực hiện được quy định trên, đòi hỏi các bộ, cơ quan ngang bộ khi xây dựng dự án luật, phải xác định cụ thể được các nội dung dự kiến giao quy định chi tiết và cơ quan được giao quy định chi tiết; đồng thời trình dự thảo văn bản quy định chi tiết khi trình dự án luật.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  cho thấy, việc xây dựng và trình văn bản quy định chi tiết tại thời điểm này còn mang tính hình thức; chất lượng của dự thảo văn bản quy định chi tiết chưa được bảo đảm. Thực tế xây dựng chính sách cho thấy, có rất nhiều sự thay đổi từ thời điểm trình văn bản cho đến khi văn bản được thông qua. Khi văn bản được hướng dẫn thay đổi thì văn bản hướng dẫn cũng phải thay đổi theo. Trong khi đó, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản không chỉ chịu áp lực về tài chính mà còn bị áp lực về thời gian, nhân lực. Hơn nữa, các nội dung được giao quy định chi tiết thường thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành khác nhau, nên gặp không ít khó khăn trong tìm giải pháp chung. Một nguyên nhân khác cũng được nhiều chuyên gia pháp lý đề cập tới đó chính là cơ quan chủ trì soạn thảo chưa dự liệu được hết những dữ kiện pháp lý cần phải hướng dẫn chi tiết, nhất lại rơi vào lĩnh vực không thuộc sự quản lý nhà nước của cơ quan được giao chủ trì xây dựng văn bản.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đang được tổng kết, sửa đổi. Bất cập này cũng là một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định về cách thức xác định các nội dung giao quy định chi tiết; quy định trình đồng thời dự thảo kế hoạch triển khai thi hành luật trong đó có dự kiến hệ thống văn bản quy định chi tiết, cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn ban hành các văn bản quy định chi tiết.

Phạm Hải