Góc nhìn

Để không còn nỗi đau ám ảnh

- Chủ Nhật, 31/05/2020, 08:09 - Chia sẻ
Chiều 29.5, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phiên (23 tuổi, trú huyện Phú Ninh, Quảng Nam) để điều tra hành vi giết người. Điều đáng nói, nạn nhân trong vụ án này chính là con đẻ của Phiên, cháu bé mới 7 tháng tuổi.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng trẻ em bị chính người thân của mình sát hại. Dư luận chưa thể quên vụ án đã từng xảy ra, chỉ vì nghi ngờ cháu ruột lấy 200 nghìn đồng mà người cậu - vốn là một xã đội trưởng ở Hà Tĩnh đang tay dùng dao chém cháu ruột (trẻ mồ côi) dẫn đến cháu bị tử vong. Hay cách đây chưa lâu, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Minh Tuấn (31 tuổi, trú Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) và Nguyễn Thị Lan Anh (29 tuổi, trú thôn Võng La, huyện Đông Anh) để điều tra về hành vi giết người. Cả hai đối tượng này đã cùng nhau hành hạ, đánh đập cháu bé, bắt quỳ trong chậu nước, dùng kim châm vào tay, đánh vào đầu, vào mặt cháu bé dẫn đến cháu bị tử vong. Điều đáng nói, một trong người hành hạ cháu bé chính là mẹ ruột của bé.

Trẻ em - đối tượng luôn cần được chăm sóc đặc biệt, trước tiên bởi cha mẹ và những người thân yêu. Gia đình tưởng chừng là nơi an toàn cho trẻ nhưng thực tế cho thấy, không ít vụ án thương tâm xảy ra do chính những người thân thích, ruột thịt của trẻ gây ra.

Thực trạng này cũng được báo cáo của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” chỉ rõ, thời gian gần đây tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng xâm hại trẻ em và có xu hướng gia tăng. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm tới 97,29%, tỉnh Phú Thọ 97%, tỉnh Cà Mau 95,9%… Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, sinh con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính…

Dù đối tượng xâm hại là người lạ hay người thân quen, thì những hành vi xâm hại đều để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 6.2019 cả nước có 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại dẫn đến tử vong). Các địa phương có số trẻ bị tử vong nhiều gồm: Hà Nội (13 trẻ), Bắc Ninh (8 trẻ), Gia Lai (8 trẻ), Lào Cai (8 trẻ), Quảng Ninh (7 trẻ), Thanh Hóa (7 trẻ); có 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật… Số liệu này cho thấy, trẻ em đang phải gánh chịu những tổn thất về sức khỏe, tinh thần rất lớn từ hành vi xâm hại của người lớn, trong đó có chính cha mẹ và những người thân quen của các em.

Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, kỷ luật mang tính bạo lực còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14 tuổi cho biết, đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Đây là điều rất đáng lo ngại. Khi gia đình chưa thực sự trở thành mái ấm cho trẻ, thì rất dễ dẫn tới trẻ phải dối diện với nguy cơ bị xâm hại.

Trẻ em cần được sống trong môi trường có nhiều hơn sự yêu thương, chăm sóc. Muốn vậy, không ai khác, cha mẹ, thầy cô và những người thân cần dành cho trẻ sự giáo dục trên cơ sở của tình yêu thương, thay vì những hành vi giáo dục mang tính “kỷ luật sắt”. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm hành vi xâm hại trẻ. Đặc biệt, cần tăng cường nguồn lực chính đáng cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, trong đó có việc ban hành các chính sách xã hội dành cho trẻ em yếu thế, bị thương tổn, phát triển công tác xã hội trong trường học, chứ không chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý học đường. Như cách ví von của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): "Xin đừng vẽ cho trẻ về ngôi nhà cổ tích, về câu chuyện cổ tích quá long lanh giữa một môi trường còn quá nhiều cạm bẫy". Đối với trẻ đã hứa thì phải làm, thương yêu thì phải hành động, bảo vệ trẻ thì phải mạnh mẽ, do đó Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng Luật Phòng, chống xâm hại trẻ em trong tương lai gần.

Hà An