Để không còn những sinh linh bị chối bỏ

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 06:47 - Chia sẻ
Ngày 30.6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thành, sinh năm 1989, trú tại Lộc Hà, Hà Tĩnh để điều tra về hành vi vứt bỏ con mới đẻ.

Trước đó, người dân phát hiện một cháu bé bị bỏ rơi dưới hố ga phía sau đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) trong tình trạng không có quần áo trên người, 2 mắt, mũi, miệng, cơ thể đang bị dòi bọ bám dính. Ngay sau đó, đại diện UBND, Công an xã Thanh Mỹ cùng Trạm y tế xã Thanh Mỹ đã sơ cứu cháu bé rồi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây rồi chuyển xuống Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Dù được đội ngũ y, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do nhiễm trùng nặng bé đã không qua khỏi, để lại nỗi đau quá lớn. Nỗi đau về sự chối bỏ sự sống của sinh linh bé bỏng từ chính người mẹ đẻ của mình. Tình trạng trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc không hiếm. Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh người dân phát hiện một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở ven đường tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Sức khỏe bé rất yếu, chưa được cắt dây rốn, đã bốc mùi hôi hoại tử và có dấu hiệu nhiễm trùng...

Mỗi trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc đều có hoàn cảnh, số phận khác nhau. Có cháu được tiếp tục sự sống, có cháu đã ra đi mãi mãi ngay khi mới chào đời… Nhưng các cháu đều có một điểm chung là mẹ các cháu không thể nuôi con bởi muôn vàn lý do. Có thể do hoàn cảnh túng quẫn, có thể do cách sống “buông thả” của tuổi trẻ, và có khi là nạn nhân của xâm hại tình dục... Cho dù bất kỳ lý do nào, khi người mẹ chối bỏ con do chính mình mang nặng đẻ đau là điều rất khó được chấp nhận. Điều này báo động về tình trạng những trẻ em bị bỏ rơi - trẻ em bị xâm hại bởi chính người thân yêu của mình. Không chỉ khó chấp nhận ở phạm trù đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm.

Trẻ em bị xâm hại là một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua. Vì thế, Quối hội đã có chương trình giám sát tối cao về vấn đề này. Báo cáo của Đoàn giám sát về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV cho thấy, số trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc còn nhiều, tính đến ngày 30.6.2019 có tới 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc. Trẻ em bị bỏ rơi hầu hết là trẻ sơ sinh do người mẹ quan hệ tình dục trước hôn nhân, sinh con ngoài ý muốn, nhưng không thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con…

Những trường hợp bỏ mặc trẻ, pháp luật đã có những chế tài tương xứng, tùy thuộc hậu quả hành vi vi phạm. Về xử lý hành chính, khoản 1 Điều 22 Nghị định 144/2013 quy định rõ: phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với người có hành vi: bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha, mẹ, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, người có hành vi xâm hại trẻ có thể sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Điều 124, về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ của Bộ luật này quy định, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đương nhiên, người có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại trẻ phải bị xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, để không còn những sinh linh bé bỏng bị tước đoạt sự sống rất cần phương pháp truyền thông hiệu quả hơn. Theo đó, các cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ của mình cần thay đổi truyền thông để nâng cao nhận thức về trẻ em, về bảo vệ trẻ em và những hậu quả khi trẻ em bị xâm hại từ phía những người trong gia đình, trong nhà trường và cả xã hội. Như nhận định của Đoàn giám sát của Quốc hội, việc giải quyết cơ bản vấn đề bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em cần có nhiều giải pháp về kinh tế - xã hội, kết hợp với truyền thông, giáo dục trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ trong việc thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con...

Thiết nghĩ, điều quan trọng nhất là phòng ngừa. Chế tài xử lý, hình phạt trong những trường hợp này chỉ nên là biện pháp cuối cùng buộc phải áp dụng. Bởi tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa không tốt, cái giá đắt phải trả là sự sống của các em có thể bị tước đoạt ngay từ khi mới chào đời.

 

Hà An