Để có nhiều “quả ngọt”

- Thứ Hai, 20/07/2020, 08:12 - Chia sẻ
Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của các bộ, ngành và địa phương (từ cấp huyện trở lên) năm 2020 là 251.135 người, giảm 23.896 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 8,68%); số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 1.834.724 người, giảm 150.040 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 7,56%)… Thông tin mà Bộ Nội vụ đưa ra là những “quả ngọt” trong thực hiện tinh giản biên chế - nhiệm vụ vốn được đánh giá là khó khăn, phức tạp và nhạy cảm lâu nay.

Thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy theo yêu cầu mà Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đề ra, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, đánh giá mô hình tổ chức các tổng cục thuộc bộ và đã hoàn thiện việc đánh giá lại mô hình tổ chức cấp tổng cục, đề xuất phương án sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng giảm cấp trung gian, trình Chính phủ theo quy định. Kết quả thực hiện đối với bộ, cơ quan ngang bộ: Giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương (còn 249 tổ chức); giảm 10 tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập (còn 100 tổ chức). Cơ cấu tổ chức cơ quan thuộc Chính phủ: giảm 1 tổ chức (còn 52 ban và tương đương); giảm 24 đơn vị sự nghiệp công lập (còn 142 đơn vị sự nghiệp công lập)...

Không chỉ bộ, ngành, nhiều địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt để thực hiện mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Thời gian qua, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức bộ máy các sở và tương đương, giảm 49 phòng (23%), giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng; thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm 3 phòng dân tộc tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, chức quản lý nhà nước về dân tộc giao về Văn phòng HDND và UBND huyện. Hà Nội cũng kiện toàn, sắp xếp 102 Ban chỉ đạo thuộc UBND thành phố còn 28 ban chỉ đạo (giảm 72,5%). Cùng với đó, thành phố đã thực hiện tinh giản biên chế được 1.172 trường hợp, trong đó 259 trường hợp nghỉ do sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại vị trí việc làm, 484 trường hợp nghỉ do năng lực làm việc hạn chế. Từ kết quả thực hiện cho thấy, việc tinh giản biên chế đã có những bước chuyển tích cực và thực chất hơn. 

Thực tiễn cho thấy, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một việc khó với bất kỳ người đứng đầu nào, bởi động đến quyền lợi của cán bộ, công chức, đến “miếng cơm, manh áo” của họ. Như một vị lãnh đạo từng chia sẻ, “chỉ nghĩ để lại ai, tinh giản ai cũng đủ đau đầu”, bởi “nhìn đâu cũng thấy anh em, đồng nghiệp” nên nể nang là điều không tránh khỏi. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân từng thẳng thắn thừa nhận trước Quốc hội, đó là các địa phương chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá, với tiêu chuẩn, điều kiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế “đánh giá tình cảm, chung chung với nhau”, không tìm ra được người để tinh giản biên chế.

Vượt qua những rào cản tâm lý để tìm ra những đối tượng tinh giản biên chế là sự dũng cảm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Điều này rất đáng được ghi nhận. Số lượng biên chế được tinh giản thời gian qua dù chưa nhiều nhưng đó là những “quả ngọt”, thể hiện quyết tâm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cũng như của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để bảo đảm khách quan, minh bạch, đặc biệt là không tinh giản “nhầm” người, cần quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở đó, ai không hoàn thành nhiệm vụ thì dứt khoát phải loại ra khỏi bộ máy. Đó cũng là cách để đánh giá, tinh giản cán bộ, công chức không còn “cảm tính, chung chung”, không bị chi phối bởi bất kỳ mối quan hệ “vướng trên, vướng dưới” nào.

Lê Hùng